Quốc tế
Nga ủng hộ Syria chống IS
Với việc từ chối xác định quy mô hiện diện quân sự ở Syria, Nga đang khiến phương Tây quan ngại rằng, Mátxcơva muốn giành ưu thế để “mặc cả” khi các cường quốc nhóm họp bàn về cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Bức ảnh do một hãng thông tấn công bố ngày 15-4-2014 cho thấy một máy bay của Nga chở 15 tấn hàng viện trợ đến sân bay quốc tế ở thành phố Latakia của Syria. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao phương Tây tại Mátxcơva cho biết, cuộc họp của các nước có thể sớm diễn ra trong tháng 9 này khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên trong 8 năm và sẽ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ngày 10-9, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin sẽ đề cập về tình hình Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo các quan chức Mỹ, Nga đã điều động 2 tàu đổ bộ và tăng cường thêm máy bay đến Syria, đồng thời triển khai một lượng nhỏ lính hải quân đánh bộ ở đó. Các quan chức này cho rằng, đây là những dấu hiệu mới nhất về việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria nhưng vẫn chưa rõ ý định của Mátxcơva.
Hoạt động của Nga có thể hướng trọng tâm vào việc xây dựng một sân bay dã chiến ở gần thành phố cảng Latakia, thành trì của chính phủ Syria, nhằm hỗ trợ bảo đảm an ninh và triển khai lực lượng hải quân tại thành phố Tartus. Trong khi đó, tại Lebanon, các nguồn tin vẫn cho hay, lực lượng Nga đang tham gia chiến đấu ở Syria, nơi mà Tổng thống Bashar al-Assad đang chịu nhiều áp lực của quốc tế.
Điện Kremlin không bình luận về việc quân đội Nga được triển khai tại Syria hay không. Mỹ và Nga vốn bất đồng xung quanh vấn đề Syria. Nga ủng hộ Tổng thống Assad, đồng minh lâu năm của Mátxcơva. Tuy nhiên, Mỹ ủng hộ chuyển giao chính trị để chấm dứt việc nắm quyền của ông Assad. Nga muốn chính phủ Syria được can dự vào cuộc chiến chống IS nhưng Mỹ cũng như đồng minh ở Trung Đông xem ông Assad là nguồn cơn gây ra cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm qua và đẩy đất nước vào nội chiến.
Cũng theo Reuters, trong những tuần gần đây, Nga bày tỏ sự quan tâm về một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại New York. Chưa rõ cuộc gặp song phương như thế có diễn ra hay không, khi Mỹ đang lo ngại về việc Mátxcơva tăng cường hiện diện quân sự ở Syria.
Chính Washington đã gây áp lực cho các nước như Hy Lạp, Bulgaria không cho Mátxcơva sử dụng không phận để tiến vào Syria. Nga gọi động thái của Mỹ là “không đúng mực trên bình diện quốc tế” và tuyên bố sẽ sử dụng các tuyến đường khác để cung cấp viện trợ cho Damascus.
Về phía Bulgaria, nước này vẫn cho phép Nga đưa các nhà ngoại giao đến Syria nhưng từ chối các máy bay vận tải quân sự của Mátxcơva vì nghi ngờ hàng hóa được chuyên chở không đúng như khai báo. Nhưng ngay cả khi Bulgaria đóng cửa không phận với các chuyến bay của Nga thì Mátxcơva vẫn có thể dùng không phận của Iran và Iraq.
Thực tế, Nga luôn khẳng định nước này chỉ đơn thuần giúp Syria chống IS - nhóm chiến binh cũng là mục tiêu của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao hoài nghi rằng, với các động thái của mình ở Syria, Nga có thể thúc đẩy vị thế “mặc cả” trên bàn nghị sự với các cường quốc để phương Tây phải nhượng bộ trong một cuộc xung đột khác, đó là ở Ukraine.
Lầu Năm Góc chỉ trích rằng, việc Nga ủng hộ Tổng thống Assad có nguy cơ làm “xung đột leo thang hơn”. Cuối tuần qua, trong cuộc trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Cuộc xung đột ở Syria kể từ năm 2011 đến nay đã làm gần 250.000 người chết và dẫn đến dòng người tị nạn đang kéo đến châu Âu.
PHÚC NGUYÊN