Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Châu Âu chia rẽ sâu sắc

07:32, 07/09/2015 (GMT+7)

Sự chia rẽ sâu sắc khi đối phó với dòng người nhập cư từ Trung Đông, châu Phi và châu Á đang đe dọa giá trị của Liên minh châu Âu (EU). Lòng nhân đạo của các chính trị gia ở “lục địa già cỗi” này cũng đang bị chỉ trích khi phần lớn các nước đã xem cuộc khủng hoảng nhập cư không phải là vấn đề của nước mình.

Những người tị nạn đến Saalfeld, miền trung nước Đức. 		         Ảnh: AP
Những người tị nạn đến Saalfeld, miền trung nước Đức. Ảnh: AP

Hãng AFP cho rằng, với những hình ảnh đau lòng về những đứa trẻ bị chết đuối trên biển, người tị nạn ùa lên tàu và bị cảnh sát đánh đập cùng hàng rào dây thép gai xuất hiện trên khắp châu Âu, cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng tương đương với cuộc khủng hoảng về tài chính trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Cả hai trường hợp này đều thử thách sự đoàn kết của châu Âu.  

Tuần qua, khi thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu cùng chia sẻ gánh nặng trong việc tiếp nhận những người nhập cư và tị nạn đến từ Syria, Iraq, Afghanistan, Libya…, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Thế giới đang nhìn chúng ta”. Bà còn cho rằng, nếu châu Âu thất bại trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn thì “sẽ không còn là châu Âu mà chúng ta mơ ước”.

Song, với nhiều chính trị gia châu Âu đang nỗ lực giữ sự ủng hộ của cử tri, việc ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp quan trọng hơn việc chào đón hàng trăm ngàn người nước ngoài tị nạn như thế, nhất là người Hồi giáo.

Đây là lần đầu tiên trong một thập niên kể từ khi 10 nước Trung Âu gia nhập EU, cuộc khủng hoảng đánh dấu sự chia rẽ giữa đông và tây tại châu lục này. Hầu hết các thành viên mới từ chối hạn ngạch bắt buộc các nước chia sẻ gánh nặng nhập cư, nghĩa là mỗi thành viên EU mỗi năm phải có trách nhiệm tiếp nhận lượng người tị nạn nhất định, tùy điều kiện kinh tế, dân số và diện tích của nước đó.

Thủ tướng Áo Werner Faymann nói rằng, nếu các nước Đông Âu không chia sẻ gánh nặng thì EU nên xem xét viện trợ tài chính trong tương lai cho sự phát triển của các nước này. Song, Thủ tướng Faymann cảnh báo việc nước ông chấp nhận hàng ngàn người tị nạn là giải pháp tạm thời, đồng thời thúc giục 28 thành viên EU có phản ứng thống nhất.

Hungary, CH Czech và Slovakia là 3 trong số những nước thẳng thừng bác bỏ hạn ngạch bắt buộc nói trên. Thủ tướng Hungary Viktor Orban chỉ trích bà Merkel đang làm cuộc khủng hoảng nhập cư thêm trầm trọng khi tuyên bố Đức nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu.

Ông Orban nói rằng, Đức đang khuyến khích thêm người di cư mạo hiểm đến châu Âu và cuộc khủng hoảng lần này là vấn đề của Đức. Dòng người chạy trốn chiến tranh và bạo lực từ Syria, Iraq… muốn thông qua Hungary và Áo để đến Đức sẽ lên đến 800.000 người trong năm nay, dự kiến làm tiêu tốn 10 tỷ euro (11 tỷ USD).

Theo Reuters, Hungary - cửa ngõ chính để người nhập cư vào khu vực Schengen không biên giới của châu Âu - vẫn giữ quan điểm cứng rắn như thế. Chính phủ Hungary đã điều động hàng chục xe buýt đưa người di cư từ thủ đô Budapest sang Áo nhưng việc mở cửa biên giới cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nước này cam kết sẽ xây hàng rào biên giới cao hơn với Serbia vào ngày 15-9 và có thể triển khai quân đội, cảnh sát dọc biên giới sau ngày 15-9.

Tất nhiên, những quan điểm cứng rắn đã bị chỉ trích. Sự chia rẽ của EU trong lúc này cũng bị cho là “thiển cận và hẹp hòi”.

Ông Peter Sutherland, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề di cư quốc tế, nhấn mạnh: Nếu ai cũng nghỉ ngơi phía sau biên giới và tuyến phòng thủ của mình thì thảm họa sẽ tiếp tục và trở nên tồi tệ. Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner kêu gọi tất cả thành viên châu Âu cần thức tỉnh. “Bất kỳ ai nghĩ rằng, việc rút khỏi EU hoặc xây dựng hàng rào thép gai xung quanh Áo sẽ giải quyết được vấn đề thì đó là điều sai lầm”, vị quan chức này nói.

VĨNH AN

.