Quốc tế

Tổng thống Syria Bashar al-Assad: Châu Âu gây ra khủng hoảng tị nạn

07:40, 17/09/2015 (GMT+7)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng, chính châu Âu gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn đang tác động mạnh mẽ đến lục địa già này. Theo ông, đó là hệ quả trực tiếp từ sự ủng hộ của phương Tây đối với chủ nghĩa cực đoan ở Syria trong vòng 4 năm qua.

Trong dòng người tị nạn muốn tiến vào châu Âu, có rất nhiều người đến từ Syria. 	             	                Ảnh: AFP
Trong dòng người tị nạn muốn tiến vào châu Âu, có rất nhiều người đến từ Syria. Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn báo chí Nga ngày 16-9, Tổng thống Syria Bashar al-Assad thúc giục các phe phái chính trị và vũ trang ở Syria đoàn kết để cùng chống các nhóm khủng bố. Ông nói rằng, không thể có một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến của đất nước trước khi khủng bố bị đánh bại.

Châu Âu đang “khóc”…

Hãng AP cho biết, ông Assad quy trách nhiệm cho châu Âu trong cuộc khủng hoảng tị nạn và khẳng định đây là hệ quả trực tiếp từ sự ủng hộ của phương Tây đối với chủ nghĩa cực đoan ở Syria trong vòng 4 năm qua. Theo ông, phương Tây đang “khóc” vì dòng người tị nạn ùn ùn kéo vào châu Âu nhưng sự ủng hộ của phương Tây đối với “những kẻ khủng bố” ở Syria là căn nguyên của cuộc khủng hoảng nhập cư. “Những kẻ khủng bố” là tên gọi mà chính phủ Syria chỉ những ai liên quan cuộc nổi dậy chống lại ông Assad, trong đó có lực lượng phiến quân được phương Tây hậu thuẫn.

Theo Reuters, đây là phát biểu công khai đầu tiên của Tổng thống Syria về dòng người di cư hàng loạt đến châu Âu, trong đó có nhiều người đã rời bỏ đất nước của ông. Nhà lãnh đạo Syria kêu gọi các nước phương Tây ngừng ủng hộ những kẻ khủng bố nếu quan ngại về dòng người tị nạn.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho hay, hơn 428.000 người Syria đã đăng ký tị nạn ở châu Âu từ tháng 4-2011 đến tháng 8-2015; hơn 4 triệu người tị nạn Syria đã đến các nước láng giềng như: Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ chức nếu người dân Syria muốn

Tổng thống Assad cũng tuyên bố, ông sẽ chỉ từ chức nếu người dân Syria muốn, chứ không chịu sức ép của phương Tây. “Là tổng thống, nắm quyền nhờ sự ủng hộ của người dân thông qua bầu cử, nếu từ chức thì tôi sẽ chỉ từ chức theo yêu cầu của người dân, chứ không do phán quyết của Mỹ, Hội đồng Bảo an LHQ, Hội nghị Geneva hay Tuyên bố Geneva”, ông Assad nói.

Tổng thống Assad tái đắc cử vào năm 2014 với 88,7% số phiếu nhưng bầu cử chỉ diễn ra ở những khu vực do chính phủ kiểm soát. Vì vậy, phe đối lập cho rằng, cuộc bầu cử không đáng tin cậy giữa lúc đất nước rơi vào nội chiến.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn cho rằng, Tổng thống Assad không có vai trò gì trong các chiến dịch của liên minh quân sự chống IS và phải từ chức để mở đường cho một giải pháp chính trị. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, “không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột toàn diện ở Syria, mà chỉ có thể được giải quyết bằng một cuộc chuyển giao chính trị từ ông Assad”. Tuy nhiên, theo thực tế và cũng theo lời ông Assad, đến nay, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vẫn không thể ngăn chặn sự tung hoành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Các nước như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia đều muốn Tổng thống Assad rời bỏ quyền lực và ủng hộ phe đối lập với chính phủ Damascus. Ông Assad chỉ trích sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy sự trỗi dậy của 2 nhóm nổi dậy lớn nhất ở Syria: IS và Nusra Front có liên quan Al-Qaeda. Song, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ cáo buộc này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng, không thể đánh bại IS nếu không hợp tác với chính phủ Damascus. Trong những ngày gần đây, Nga đã điều xe tăng, các vũ khí cùng các cố vấn quân sự, các chuyên gia kỹ thuật, lực lượng bảo vệ an ninh… đến Syria nhằm thiết lập căn cứ không quân gần thị trấn Latakia, nơi được xem là “thành trì” của Tổng thống Assad.

Song, trả lời phỏng vấn của báo chí Nga, ông Assad không đề cập trực tiếp các động thái của Mátxcơva, chỉ ca ngợi đồng minh của mình đóng vai trò trung gian trong việc kêu gọi đối thoại giữa các nhóm ở Syria. Ông Assad cũng thúc giục thành lập một mặt trận thống nhất để chống IS và nói rằng, có thể tiếp tục đối thoại nhưng sẽ không thực hiện được điều gì nếu chủ nghĩa khủng bố không bị đánh bại trước tiên.

PHÚC NGUYÊN

.