Quốc tế

3 tháng, IS thực hiện hơn 1.000 vụ tấn công

07:31, 23/10/2015 (GMT+7)

Công ty phân tích quốc phòng IHS Jane’s ngày 22-10 cho biết, bạo lực do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện gia tăng trong 3 tháng qua trên thế giới, với hơn 1.000 vụ tấn công làm gần 3.000 người chết.

Một khu vực ở Douma, phía đông Damascus, do lực lượng nổi dậy chiếm giữ, trở thành đống đổ nát sau khi bị lực lượng chính phủ Syria tấn công.  								                           Ảnh: AFP
Một khu vực ở Douma, phía đông Damascus, do lực lượng nổi dậy chiếm giữ, trở thành đống đổ nát sau khi bị lực lượng chính phủ Syria tấn công. Ảnh: AFP

Hãng AFP dẫn các con số của IHS Jane’s, công ty có trụ sở tại London (Anh), cho thấy các vụ tấn công của IS tăng 42%/ngày trong quý 3-2015 so với quý trước đó. Song, các cuộc không kích của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Syria và Iraq chỉ có tác động hạn chế đối với nhóm chiến binh Hồi giáo này.

Con số cụ thể mà IHS Jane’s đưa ra là từ tháng 7 đến cuối tháng 9 vừa qua, có 1.086 vụ tấn công do IS thực hiện, làm 2.978 người chết. Không chỉ trong lãnh thổ Syria và Iraq, các vụ tấn công còn mở rộng sang các nước khác như: Ai Cập, Libya, Yemen, Afghanistan, Pakistan, Nigeria, Saudi Arabia và Algeria.

IS đang trở thành mối đe dọa của nhiều nước trên thế giới, trong đó có việc công dân của nhiều nước được cho là đang gia nhập mạng lưới IS. Tổ chức Hồi giáo này trả cho những kẻ ủng hộ tới 10.000 USD/người để tuyển mộ chiến binh tham chiến ở Syria và Iraq. Bởi vậy, 17 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 22-10 đã ký một thỏa thuận quốc tế với một số lệnh cấm, nhằm ngăn chặn hành động chiêu mộ “các chiến binh khủng bố nước ngoài” vốn di chuyển từ châu Âu tới các khu vực đang xảy ra xung đột ở nước ngoài, đặc biệt là Syria.

Báo cáo của IHS Jane’s cũng nhận định: Sự can dự của Nga vào Syria trong những tuần gần đây dường như làm gia tăng sức mạnh cho IS và Mátxcơva quan tâm nhiều hơn việc bảo vệ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad hơn là chống IS. Mỹ cũng cáo buộc Nga nhằm vào lực lượng nổi dậy ôn hòa.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, sự can dự vào cuộc khủng hoảng Syria minh chứng Mátxcơva có thể đối phó với mọi mối đe dọa. “Chiến dịch cho thấy, Nga sẵn sàng đáp trả đầy đủ, hiệu quả đối với khủng bố và bất kỳ mối đe dọa nào khác nhằm vào đất nước của chúng ta”, ông Putin phát biểu với các tướng lĩnh quân đội và tình báo tại Điện Kremlin.

Hãng AFP dẫn lời các nhà chức trách Nga cho biết, Mátxcơva đã tấn công hơn 690 mục tiêu khủng bố kể từ khi tiến hành chiến dịch đánh bom ở Syria vào ngày 30-9 vừa qua. Ở trong nước, hơn 1 năm qua, lực lượng an ninh Nga, vốn chống lại lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở Bắc Caucasus, đã ngăn chặn 20 hành động khủng bố, tiêu diệt 112 chiến binh và bắt giữ 560 người. Tổ chức Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda trong tuần qua đã kêu gọi lực lượng thánh chiến ở Caucasus tấn công Nga nhằm trả đũa các cuộc không kích mà nước này tiến hành ở Syria.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Putin trong việc mở chiến dịch chống lực lượng khủng bố ở Syria, trong đó có IS, đã làm gia tăng sự tín nhiệm của ông. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu dư luận Nga (VTsIOM), được công bố ngày 22-10, tỷ lệ tín nhiệm ông Putin đạt mức cao kỷ lục với 89,9%, cao hơn so với mức 89,1% trong tháng 6 vừa qua. Hồi tháng 1-2012, tỷ lệ tín nhiệm ông Putin là 58,8%. VTsIOM khẳng định: Tỷ lệ ủng hộ cao dành cho công việc của Tổng thống Nga là do các sự kiện ở Syria, với các cuộc không kích nhằm vào khủng bố.

Điều đáng nói là trước khi chiến dịch của Nga diễn ra, thăm dò cho thấy người dân nước này lo ngại về nguy cơ Điện Kremlin liên quan đến tình hình ở Trung Đông. Song, theo thăm dò hồi đầu tháng này, 72% người dân Nga có quan điểm tích cực về chiến dịch.

BÌNH YÊN

.