Quốc tế
Iran bắt đầu "nhiệm vụ lớn"
Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi nói rằng, Tehran sẽ bắt đầu “nhiệm vụ lớn” - dỡ bỏ hạ tầng hạt nhân trong tuần này, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có những động thái nhằm chấm dứt cấm vận nước Cộng hòa Hồi giáo.
Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi (giữa) và các nghị sĩ trong cuộc họp bàn thảo về thỏa thuận hạt nhân ở Tehran ngày 11-10. Ảnh: AP |
Ông Ali Akbar Salehi đã phát biểu trên Đài truyền hình Nhà nước về “nhiệm vụ lớn” của Iran trong lúc chờ Tổng thống Hassan Rouhani ra lệnh phá bỏ hàng ngàn máy ly tâm từ các khu vực nguyên tử ở Natanz và Fordo. “Những gì chúng tôi cần là hoàn thành một nhiệm vụ lớn. Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu trong tuần này hoặc tuần tới”, ông Salehi nói.
Việc tháo gỡ các máy ly tâm là một phần trong thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được vào ngày 14-7 vừa qua tại Vienna (Áo), nhằm kết thúc 13 năm tranh cãi xung quanh các hoạt động nguyên tử của Tehran. Iran phải tuân thủ các cam kết hạn chế chương trình hạt nhân, như cắt giảm lượng uranium đã được làm giàu, tháo dỡ 2/3 các thanh nhiên liệu hạt nhân và ngừng xây dựng các cơ sở hạt nhân mới.
Theo đó, nước Cộng hòa Hồi giáo phải cắt giảm khoảng 6.000 máy ly tâm, đáp ứng yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng, lò phản ứng Arak và các cơ sở khác không thể được sử dụng cho các mục đích quân sự. Báo cáo cuối cùng của IAEA sẽ được công bố vào ngày 15-12 tới.
Về phía Mỹ, ngày 18-10, Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh chỉ thị Ngoại trưởng John Kerry và Bộ Tài chính nước này chuẩn bị tiến hành việc miễn áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Iran. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, đây là một cột mốc trong cái gọi là “Ngày chấp thuận” (Adoption Day) mà P5+1 đã cam kết trong thỏa thuận với Iran. “Ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng đến ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và bảo đảm chương trình hạt nhân của nước này được thúc đẩy theo hướng hòa bình”, Tổng thống Obama nói.
Giai đoạn tiếp theo là “Ngày thực hiện” (Implementation Day), được quy định là 90 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn thỏa thuận. “Ngày thực hiện” chỉ có hiệu lực khi IAEA chứng thực Iran đã tuân thủ đầy đủ các cam kết hạn chế chương trình hạt nhân, nghĩa là sẽ phải chờ gần 2 tháng nữa.
Thỏa thuận giữa nhóm P5+1 với Iran đã được Quốc hội Iran phê chuẩn hồi tuần trước. Song, một số nghị sĩ cứng rắn cho rằng, chính phủ của Tổng thống Rouhani đã phải nhượng bộ quá nhiều đối với phương Tây.
Cũng trong ngày 19-10, các đặc sứ của 6 cường quốc đã có mặt ở Vienna để thành lập một ủy ban giám sát việc thực hiện thỏa thuận nói trên. Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phê chuẩn một khung pháp lý cho việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Iran.
Song, theo AFP, các thách thức vẫn còn đó. Iran hy vọng “Ngày thực hiện” sẽ nhanh chóng diễn ra để Tehran có thể phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Trả lời phỏng vấn AP ngày 18-10, Phó Tổng thống Iran Masoud Soltanifar thậm chí khẳng định, nước ông chuẩn bị cho đón “đợt sóng thần” du khách nước ngoài khi thỏa thuận hạt nhân được thực thi. Theo ông Soltanifar, các chính sách ôn hòa và việc nới lỏng quy định thị thực nhập cảnh đang mở cửa cho sự trở lại của du khách nước ngoài đến Iran.
Trong khi đó, Mỹ vẫn tỏ ra lo ngại về việc Iran có tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hay không.
PHÚC NGUYÊN