Quốc tế

Máy bay B-52 của Mỹ bay gần đảo nhân tạo Trung Quốc

07:49, 13/11/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Ngày 12-11, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết, trong tuần qua, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay tới gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay tới gần các hòn đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do bay qua không phận quốc tế. Ảnh: Reuters
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay tới gần các hòn đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do bay qua không phận quốc tế. Ảnh: Reuters

Theo Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, sĩ quan chỉ huy Bill Urban, cho biết: “Phi vụ mới nhất này xảy ra vào đêm ngày 8 rạng sáng 9-11 khi hai máy bay B-52 bay “trong khu vực” quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng không đi vào vùng 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi pháp.

“Các máy bay đó thực hiện sứ mệnh thường xuyên trên Biển Đông, cất cánh từ căn cứ Guam và bay trở lại đó”, ông Urban cho biết. Các kiểm soát viên mặt đất của Trung Quốc đã liên lạc với các máy bay nói trên nhưng họ vẫn tiếp tục mà không ngần ngại. 

Trong một buổi điểm tin sớm vào ngày 12-11, Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Peter Cook phát biểu rằng, Mỹ thực hiện các chuyến bay B-52 trong không phận quốc tế ở khu vực luôn luôn thuộc về cả thế giới.

Động thái này diễn ra tiếp theo sự kiện tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã đi vào bên trong giới hạn 12 hải lý tại khu vực đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động của phía Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc cũng như khẳng định sự tự do hàng hải, tự do bay qua vùng không phận quốc tế ở một khu vực có luồng hàng hải trị giá 5 nghìn tỉ USD đi qua và là vùng biển giàu tiềm năng thiên nhiên.

Cũng trong ngày 12-11, Indonesia đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc làm rõ ý nghĩa của cái gọi là đường 9 đoạn, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc công bố ôm gần trọn Biển Đông. Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, nước này không công nhận đường 9 đoạn này vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Quang Hiển (theo AFP)

.