Quốc tế
Paris sốc vì chiến tranh đẫm máu
Những ngày cuối tuần, thế giới bàng hoàng với hàng loạt vụ tấn công do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện nhằm vào Paris làm ít nhất 129 người chết và hơn 350 người khác bị thương. Cả nước Pháp sốc vì “chiến tranh” đẫm máu nhất đã xảy ra giữa Paris hoa lệ kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
Người dân Paris đau buồn khi chiến tranh xảy ra ngay giữa thành phố hoa lệ. Ảnh: AP |
Các vụ tấn công bao gồm nổ súng và bắt giữ con tin tại Nhà hát Bataclan; 2 vụ nổ gần sân vận động quốc gia Stade de France, nơi đang diễn ra trận giao hữu bóng đá giữa hai đội tuyển Pháp và Đức; 5 vụ nổ gần nhà hát Bataclan, 1 vụ tấn công nhằm vào trung tâm mua sắm Les Halles.
“Hành động chiến tranh”
Nước Pháp và cả thế giới đều rúng động. Vụ việc khiến người ta liên tưởng đến vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ do Al-Qaeda thực hiện vào ngày 11-9-2001. Năm 2004, châu Âu cũng hứng chịu các vụ đánh bom ở tàu điện Madrid (Tây Ban Nha) làm 191 người chết và thủ phạm cũng là các chiến binh Hồi giáo.
Còn lần này, ngày 13-11 đánh dấu một năm đẫm máu của Pháp kể từ vụ thảm sát tại trụ sở tạp chí biếm họa Charlie Hebdo ở Paris. Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi hàng loạt vụ tấn công này là “hành động chiến tranh” do IS gây ra và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia; yêu cầu cảnh sát, quân đội có mặt trên đường phố. Ông Hollande cho rằng, đó là “một hành vi chiến tranh có chuẩn bị, có tổ chức, được lên kế hoạch từ bên ngoài với sự hỗ trợ từ bên trong”. “Đối mặt với chiến tranh, nước Pháp phải thực thi những biện pháp phù hợp”, người đứng đầu Điện Elysée nói.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng tuyên bố nước này đang trong tình trạng “chiến tranh với khủng bố” và Paris sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS. Từ ngày 14-11, nước Pháp treo cờ rủ, bắt đầu thực hiện quốc tang 3 ngày.
Theo Reuters, vụ việc xảy ra trong lúc Pháp - thành viên sáng lập liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích chống IS - báo động cao về nguy cơ khủng bố. Điều này đặt ra câu hỏi rằng, vì sao một âm mưu phức tạp như thế mà không bị phát hiện và vì sao nước Pháp là mục tiêu tấn công liên tục trong năm nay.
Có nhiều cách để lý giải nhưng có một điều rất rõ rằng, IS đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Bởi lẽ, sau một Paris không yên tĩnh sẽ là nơi nào nằm trong tầm ngắm của IS, phải chăng sẽ là các nước đang tham gia liên minh quốc tế ở Syria và Iraq?
Tuyên bố của IS cho thấy, các vụ tấn công đã được tính toán và thực hiện để chứng minh Pháp vẫn là mục tiêu hàng đầu của lực lượng này nếu chính phủ Paris tiếp tục theo đuổi các chính sách hiện nay.
Người dân Paris bàng hoàng trước hàng loạt vụ tấn công. Ảnh: AP |
Xác định thủ phạm
Từ một ngón tay thu được tại hiện trường, các nhà chức trách đã xác định được danh tính của 1 trong số 7 kẻ tấn công. Đó là Omar Ismail Mostefai, công dân Pháp gốc Algeria. Cảnh sát cũng đã tiến hành bắt giữ 6 người thân, trong đó có cha, anh trai, chị dâu của đối tượng 29 tuổi này. Mostefai là một trong những kẻ thực hiện vụ tấn công ở Nhà hát Bataclan, nơi có đến 89 người chết. Không những thế, một ô-tô màu đen mà các tay súng sử dụng cũng được tìm thấy tại Montreuil, ngoại ô phía đông của Paris.
Hãng AFP cho biết, Mostefai được sinh ra ở Courcouronnes, ngoại ô Paris, từng có 8 tiền án nhỏ lẻ từ năm 2004-2010. Mostefai chưa ngồi tù nhưng công tố viên Paris Francois Molins nói rằng, người thanh niên này được xem là đối tượng cực đoan cao vào năm 2010. Tuy vậy, Mostefai chưa bị bất kỳ cuộc điều tra nào cho vào “tầm ngắm”. Theo các nhà điều tra, năm ngoái, Mostefai đã đến Syria và có thể đã có thời gian gặp gỡ IS.
Công tác điều tra được tiến hành trên khắp châu Âu. Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ một số nghi phạm tại Brussels, trong khi các nhà chức trách Đức đang điều tra về một người đàn ông lái xe chở vũ khí, bao gồm: 8 khẩu súng AK có sẵn đạn, 2 khẩu súng lục, 1 khẩu súng nòng xoay, 2 quả lựu đạn cầm tay và 200 gram chất nổ TNT.
Việc cảnh sát phát hiện hộ chiếu Syria gần thi thể 1 phiến quân làm dấy lên nghi ngờ một số kẻ tấn công có thể đã đóng giả người tị nạn từ Syria đến châu Âu. Bộ trưởng Bảo vệ công dân Hy Lạp Nikos Toskas xác nhận người có tên trong hộ chiếu này đã lên đảo Leros vào ngày 3-10 và đăng ký tị nạn tại đây.
Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân diễn ra trước Đại sứ quán Pháp tại Prague, CH Czech. Ảnh: AFP |
Phương Tây sẽ đáp trả IS
Trong lúc đó, Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trở thành diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến chống IS. Đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo thế giới đối mặt với câu hỏi: Phương Tây sẽ đáp trả như thế nào khi IS “vươn vòi” ra quá xa Syria và Iraq.
Đáng nói là chỉ trong 2 tuần qua, còn có những cuộc tấn công khác cũng do IS nhận trách nhiệm: 2 vụ nổ ở khu vực Hồi giáo Shiite thuộc thành phố Beirut (Lebanon) làm 43 người chết và vụ máy bay của Nga rơi ở bán đảo Sinai (Ai Cập) làm 224 người chết.
Mỹ hy vọng Pháp sẽ “trả thù” bằng việc đóng vai trò lớn hơn trong liên minh quốc tế do Washington dẫn đầu với chiến dịch không kích IS. Song, theo một quan chức Mỹ, Tổng thống Obama cũng đang tìm kiếm các đối tác khác từ châu Âu và Trung Đông để có những bước đi cụ thể hơn nhằm thể hiện cam kết quân sự.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tối 15-11, ông Obama có cuộc gặp song phương với Quốc vương Salman của Saudi Arabia để thúc đẩy cam kết ủng hộ phe đối lập ôn hòa Syria và xác nhận sự cần thiết hợp tác trong việc chống IS. Reuters cho rằng, việc Paris bị tấn công có thể sẽ thúc đẩy một phản ứng quân sự mạnh mẽ hơn của toàn cầu nhằm chống IS sau khi chiến dịch do Mỹ dẫn đầu kéo dài hơn 1 năm nhưng không mấy hiệu quả.
VĨNH AN