Quốc tế
Thụy Điển tiến tới "xã hội không tiền mặt"
Các giáo dân nhắn tin quyên góp ủng hộ nhà thờ. Những người bán hàng rong vô gia cư trên phố dùng máy đọc thẻ tính tiền. Ngay cả Bảo tàng ban nhạc ABBA, thánh đường của ban nhạc pop đình đám những năm 1970 từng viết “Money, Money, Money” nay cũng đã không chấp nhận tiền xu và tiền giấy.
Giao dịch bằng thẻ ở Bảo tàng ABBA tại Thụy Điển. Ảnh: New York Times |
Đó là những gì đang diễn ra tại Thụy Điển. Theo báo New York Times, không có nhiều quốc gia tiến về xã hội không tiền mặt nhanh như Thụy Điển. Ở quốc gia này, người dân đã bắt đầu “nghiện” sự tiện lợi trong phương thức thanh toán bằng ứng dụng phần mềm và thẻ tín dụng.
Thụy Điển được xem là nước luôn bắt kịp rất nhanh với xu thế công nghệ hiện đại. Đây là nơi sản sinh dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify và cũng là nơi tạo ra trò game nổi tiếng trên điện thoại di động Candy Crush.
Không ngạc nhiên khi người dân nước này bị “mê hoặc” bởi sự tiện lợi trong cách thanh toán số hóa và điều này cũng dần trở thành nhu cầu tất yếu khi rất nhiều ngân hàng Thụy Điển hiện không còn nhận hay trả bằng tiền mặt.
Tại Bảo tàng ABBA, Bjorn Ulvaeus, cựu thành viên nhóm nhạc lẫy lừng thập niên 70 thế kỷ trước và là người đã kế thừa di sản của ban nhạc để phát triển thành một đế chế kinh doanh mới, trong đó có bảo tàng này, cho biết: “Chúng tôi không muốn đi sau thời đại với việc chấp nhận tiền mặt, trong khi tiền mặt đang chết dần”.
Dư luận phân vân
Tất nhiên không phải ai cũng hân hoan với thực tiễn “không tiền mặt”. Nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi khách hàng và giới phản biện cảnh báo về nguy cơ gia tăng các vụ phạm pháp trên mạng Internet ngày càng có dấu hiệu phức tạp.
Năm ngoái, số vụ việc gian lận điện tử lên tới 140.000, cao gấp đôi so với một thập niên trước, theo thống kê của Bộ Tư pháp Thụy Điển.
Những người lớn tuổi và người tị nạn ở Thụy Điển còn dùng tiền mặt có thể bị gạt sang bên lề. Chưa kể giới quan sát còn cảnh báo về việc người trẻ sẽ mua mọi thứ thông qua các ứng dụng trực tuyến hoặc sẽ lâm vào cảnh nợ nần khi vay mượn những khoản nợ chỉ thông qua các thao tác trên điện thoại di động.
“Nó có thể chỉ là trào lưu”, cựu Giám đốc Bjorn Eriksson của lực lượng cảnh sát Thụy Điển kiêm cựu Chủ tịch Interpol nói. “Vẫn còn đủ nguy cơ khác khi xã hội bắt đầu chuyển sang không dùng tiền mặt”.
Tuy nhiên, với những người ủng hộ xu hướng này như ông Ulvaeus, sự an toàn của mỗi người là lý do các nước nên dừng sử dụng tiền mặt. Ông đã chuyển sang chỉ dùng các thanh toán điện tử và thanh toán bằng thẻ sau khi căn hộ ở Stockholm của con trai ông bị mất trộm tới 2 lần cách đây vài năm.
“Tôi từng có cảm giác bất an”, ông Ulvaeus nói. “Nó khiến tôi nghĩ rằng, chuyện gì sẽ xảy ra nếu đây là một xã hội không tiền mặt, và những kẻ cướp sẽ không thể bán được những gì chúng đánh cắp được”.
Tiền giấy và tiền xu hiện chỉ chiếm khoảng 2% trong nền kinh tế Thụy Điển, trong khi đó ở Mỹ là 7,7% và ở các nước dùng đồng tiền euro là 10%. Theo số liệu của Euromonitor International, năm nay chỉ khoảng 20% trong tổng số các giao dịch khách hàng ở Thụy Điển sử dụng tiền mặt. Trong khi đó, ở các khu vực còn lại của thế giới, tỷ lệ này trung bình là 75%.
Các loại thẻ vẫn chiếm ưu thế lớn nhất tại Thụy Điển với gần 2,4 tỷ giao dịch bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng năm 2013. 15 năm trước, chỉ có 213 triệu giao dịch. Tuy nhiên, các loại thẻ cũng đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ xu thế đang lên của những ứng dụng thanh toán thương mại qua Internet.
Tại hơn một nửa số chi nhánh của các ngân hàng lớn nhất Thụy Điển như SEB, Swedbank, Nordea Bank và các ngân hàng khác đã không còn giữ tiền mặt hay chi trả bằng tiền mặt. Họ cho biết đã tiết kiệm được một khoản chi phí lớn trong vấn đề an ninh khi loại bỏ được động cơ của những vụ cướp ngân hàng.
Năm ngoái, các kho chứa tiền của ngân hàng Thụy Điển chỉ còn giữ khoảng 3,6 tỷ kronor ở dạng tiền giấy và tiền xu, giảm hơn so với 8,7 tỷ kronor trong năm 2010. Các máy rút tiền mặt thuộc nghiệp đoàn ngân hàng Thụy Điển kiểm soát cũng đang được tháo bỏ hàng trăm chiếc, chủ yếu tại các vùng nông thôn.
Ông Eriksson, Chủ tịch Hiệp hội các công ty bảo mật tư nhân Thụy Điển, cáo buộc các ngân hàng và các công ty kinh doanh thẻ tín dụng đã cố loại tiền mặt ra khỏi thị trường để giành thị phần cho các giao dịch bằng thẻ và điện tử, theo đó phát sinh các loại phí thu nhập.
Ông nói: “Tôi không nghĩ đó là vấn đề họ nên tự quyết định. Liệu họ thực sự có thể sử dụng sức mạnh thị trường để biến Thụy Điển thành một xã hội không tiền mặt không?”
Chính phủ được lợi
Chính phủ Thụy Điển không có ý ngăn cản “cơn thủy triều” không tiền mặt đang tràn qua đất nước Bắc Âu. Nếu điều này trở thành hiện thực, chính phủ sẽ hưởng lợi từ việc thu thuế hiệu quả hơn vì tất cả các giao dịch điện tử đều lưu lại chứng từ. Còn ở những nước như Hy Lạp và Ý, nơi tiền mặt vẫn còn dùng phổ biến, trốn thuế là vấn nạn rất lớn.
Ông Leif Trogen, một quan chức của Hiệp hội các ngân hàng Thụy Điển, thừa nhận các ngân hàng đang kiếm được khoản phí thu nhập khá lớn từ cuộc cách mạng không dùng tiền mặt. Nhưng vì các ngân hàng cũng như doanh nghiệp đều phải bỏ tiền khi tiến hành các giao dịch thương mại bằng tiền mặt nên việc giảm bớt tốn kém theo cách này cũng là một lợi ích về mặt tài chính.
Tuy nhiên, chắc chắn tiền mặt vẫn sẽ không chết. Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank ước tính việc sử dụng tiền mặt sẽ giảm nhanh nhưng vẫn còn lưu hành trong 20 năm nữa. Gần đây, Riksbank cũng đã phát hành những loại tiền xu và tiền giấy mẫu mới.
DƯƠNG QUANG