.

Hàn Quốc quyết triển khai lá chắn tên lửa

.

Hàn Quốc khẳng định, việc triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa của Mỹ (THAAD) chỉ đơn thuần nhằm chống lại các mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa tại bãi phóng Dongchang-ri ngày 7-2 vừa qua.     Ảnh: EFE/EPA/KCNA
CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa tại bãi phóng Dongchang-ri ngày 7-2 vừa qua. Ảnh: EFE/EPA/KCNA

Hãng AFP cho biết, Đại sứ Trung Quốc tại Seoul Khâu Quốc Hồng bày tỏ quan ngại và cảnh báo, kế hoạch của Hàn Quốc triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên có thể làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul.

Song, bất chấp cảnh báo này, ngày 24-2, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Jeong Yeon-Guk nói rằng, việc triển khai hệ thống THAAD là biện pháp phòng thủ để đối phó với các mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa đang ngày càng gia tăng từ phía CHDCND Triều Tiên.

Theo ông Jeong Yeon-Guk, đây là vấn đề được quyết định theo tình hình an ninh và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc. “Trung Quốc sẽ phải chấp nhận điều này”, người phát ngôn Jeong Yeon-Guk nói.

Thực tế, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối kể từ khi Mỹ và Hàn Quốc công bố kế hoạch triển khai THAAD ở quốc gia phía nam trên bán đảo Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân và vụ phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo của Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh muốn Seoul hủy bỏ kế hoạch tiếp nhận lá chắn tên lửa. Song, với phát biểu của Đại sứ Khâu Quốc Hồng, đây là lần đầu tiên một nhà ngoại giao - một quan chức Trung Quốc cảnh báo về hệ quả trong quan hệ ngoại giao với Seoul.

THAAD (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, là hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động trên đất liền, có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. THAAD được thiết kế bắn tên lửa tiêu diệt các tên lửa đạn đạo của đối phương ở bên trong hoặc bên ngoài khí quyển của trái đất trong giai đoạn bay cuối cùng trước khi tới mục tiêu. Mỗi khẩu đội THAAD được cho là có giá khoảng 1.000 tỷ won (809 triệu USD).

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận rằng, các quan chức Seoul và Washington có thể nối lại đối thoại về THAAD từ tuần tới. Ngày 24-2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng triệu Đại sứ Khâu Quốc Hồng đến để trao công hàm phản đối những bình luận của ông xung quanh việc triển khai THAAD. Seoul vẫn luôn cho rằng, kế hoạch này là vấn đề nội bộ giữa hai đồng minh. Trước đó, Seoul trấn an Bắc Kinh và nhấn mạnh: Sự có mặt của THAAD trên bán đảo Triều Tiên hầu như không ảnh hưởng gì đến các lợi ích an ninh của Bắc Kinh.

Nga cũng từng cảnh báo việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực, đồng thời làm phức tạp hóa vấn đề giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mátxcơva không ủng hộ các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, nhưng không muốn Mỹ lợi dụng những sự việc này để mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Cũng trong ngày 24-1, quân đội Hàn Quốc tuyên bố nước láng giềng phía bắc phải ngừng tất cả “sự khiêu khích” và nếu phớt lờ cảnh báo này thì sẽ phải đối mặt với “sự trừng phạt nghiêm khắc”. Theo Reuters, căng thẳng hiện gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, trong lúc Liên Hợp Quốc đang xem xét các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại Bình Nhưỡng.

Tháng 3 tới, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận thường niên mang tên Key Resolve/Foal Eagle với quy mô lớn nhất. Đây cũng là động thái nhằm gửi thông điệp đến CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.