Quốc tế

Khủng bố phủ bóng đàm phán Syria

09:16, 02/02/2016 (GMT+7)

Đặc sứ Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi phải thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở quốc gia Trung Đông này, trong lúc các vụ đánh bom đẫm máu vẫn diễn ra.

Hiện trường một vụ đánh bom liều chết ở Sayyda Zeinab.  					                     Ảnh: AFP
Hiện trường một vụ đánh bom liều chết ở Sayyda Zeinab. Ảnh: AFP

Một vụ đánh bom xe và 2 vụ đánh bom liều chết liên hoàn vào ngày 31-1 vừa qua ở khu vực Sayyda Zeinab, gần đền thờ Hồi giáo Shi’ite, ngoại ô thủ đô Damascus, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện, đã làm 71 người chết xảy ra đúng thời điểm đàm phán hòa bình bắt đầu được nối lại ở Geneva (Thụy Sĩ). Vì vậy, các vụ tấn công khủng bố bị cho là nỗ lực nhằm phá hoại cuộc đàm phán vốn được Liên Hợp Quốc bảo trợ và làm gia tăng sự rối rắm về chính trị đối với Syria.

Hãng AFP dẫn lời Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini mô tả, sự tàn bạo này “rõ ràng nhằm phá hoại những nỗ lực khởi động một tiến trình chính trị”. Bộ Ngoại giao Syria không những đưa ra nhận định tương tự mà còn nói thêm rằng, những gì diễn ra ở Sayyda Zeinab là nỗ lực của các nhóm khủng bố đang được Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar hậu thuẫn nhằm vô hiệu hóa mọi sự khởi động đàm phán giữa các bên Syria tại Geneva.

Trong khi đó, theo phái đoàn của Syria tham dự đàm phán, vụ bạo lực mới nhất là minh chứng về sự liên kết giữa “khủng bố” với “một số nhóm chính trị” (ám chỉ lực lượng chống lại Tổng thống Bashar al-Assad). Bất ổn ở Syria do cuộc đối đầu giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập vô hình trung tạo điều kiện cho IS nổi dậy chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại quốc gia Trung Đông này.

Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn kêu gọi cả phía chính phủ Syria lẫn phe đối lập nắm bắt cơ hội để đàm phán. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cảnh báo, xung đột có thể dễ dàng nhấn chìm khu vực Trung Đông nếu các bên liên quan không thể đạt được thỏa thuận.

Ông cũng thúc đẩy các bên hợp tác để đạt được một lệnh ngừng bắn, tăng viện trợ nhân đạo và xây dựng kế hoạch chuyển giao quyền lực như dự thảo nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua hồi tháng 1-2016.

Song, ngày 1-2, đặc sứ Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura sau cuộc gặp riêng rẽ cả với phái đoàn chính phủ Damascus lẫn phe đối lập vẫn tỏ ra lạc quan. Tuy vậy, ông Mistura không tránh khỏi sự loay hoay trong việc tìm tiếng nói chung giữa các bên liên quan.

Riêng cuộc gặp giữa ông với Ủy ban Đàm phán cấp cao Syria (HNC) được là rất quan trọng. “Chúng tôi đang ở đây, chúng tôi đang sẵn sàng để đàm phán thành công, chúng ta sẵn sàng khởi động đàm phán”, người phát ngôn HNC Salim al-Muslat nói.

Trước đó, HNC tuyên bố sẽ tẩy chay hòa đàm, đồng thời khẳng định lực lượng đối lập này muốn kết thúc các cuộc không kích và vây hãm ở các thị trấn trước khi ngồi vào bàn nghị sự. Điều này khiến ông Mistura cho rằng, “quả bóng” đang nằm ở sân của phái đoàn Damascus.

Với nhiều áp lực, nhất là từ Mỹ, HNC đã trở lại Geneva vào ngày 30-1 (giờ địa phương). Song, nhóm này đặt ra câu hỏi: đàm phán sẽ kéo dài bao lâu. 6 tháng, 8 tháng hay nhiều hơn? Vấn đề trong lúc này là đàm phán có tiếp tục hay không, khi lực lượng đối lập bị cho là “khủng bố” hoặc “liên quan khủng bố”.

Hơn nữa, nhiều lực lượng có ảnh hưởng ở Syria như lực lượng người Kurd, đảng Liên minh vì dân chủ của người Kurd tại Syria, Mặt trận Al-Mursa không được mời đến Geneva.

PHÚC NGUYÊN

.