Đà Nẵng cuối tuần
Mặt nạ vàng của Vua Tutankhamun được khôi phục
Theo Guardian, ngày 24-1, tám người Ai Cập tham gia vào việc sửa chữa bất thành di vật chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng của Vua Tutankhamun đã được gọi đến tòa vì tội “sơ xuất, cẩu thả” trong quá trình tu sửa vào cuối năm ngoái.
Các công tố viên cho biết, trong khu tu sửa, bộ râu trên chiếc mặt nạ hơn 3.300 tuổi, được phát hiện vào năm 1922 - sự kiện tạo ra một cơn sốt trên toàn thế giới trong lịch sử và nghệ thuật của Ai Cập cổ đại vào thời điểm đó-đã vô tình bị gõ vỡ rồi được dán trở lại một cách vội vàng bằng loại keo kém chất lượng gây nên các vết trầy xước, hư hỏng.
Mặt nạ vô giá của Vua Tutankhamun trước khi bị hư hỏng. |
Trong nhóm người gây nên sự cố này có người đứng đầu Bảo tàng Ai Cập. Họ sẽ chịu hình phạt và các biện pháp kỷ luật, kể cả sa thải. Theo cuộc điều tra, họ đã sử dụng dụng cụ sắc nhọn như dao mổ và công cụ kim loại khác để loại bỏ các dấu vết chất kết dính trên mặt nạ, việc làm này đã gây nên sự hư hỏng.
Ở Ai Cập thời cổ đại, râu được coi là thiêng liêng đối với các vị thần, do đó, bộ râu giả mô tả trên mặt nạ Vua Tutankhamun như biểu tượng thiêng liêng của các vị thần, nhấn mạnh như một vị Thánh sống. Râu giả được thắt chặt và tết nối phía sau tai. Bộ râu trên mặt nạ Vua Tutankhamun là một bộ râu dài và tết như một “bím tóc”, phần chòm cuối râu nhô về phía trước. Nhà vua đeo râu giả vào các dịp lễ tôn giáo và những buổi ra mắt quan trọng khác.
Vua Tutankhamun còn gọi là Vua Tut - vị vua thứ 12 của triều đại Ai Cập thứ 18, cầm quyền từ năm 1361 đến năm 1352 trước Công nguyên. Sau khi ông qua đời ở tuổi 19, danh tánh đã biến mất khỏi lịch sử, cho đến khi phát hiện ra lăng mộ của ông vào năm 1922. Kể từ đó, các nghiên cứu về ngôi mộ và hài cốt của ông đã tiết lộ nhiều thông tin lúc sinh thời của ông.
Khi qua đời, Tutankhamun được chôn trong Thung lũng các vị vua. Thi thể được bảo quản trong thời trang truyền thống và theo đúng lề lối ướp xác dành cho vua chúa. Bảy mươi ngày sau khi ông chết, cơ thể của Tutankhamun yên nghỉ và những ngôi mộ được niêm phong. Sau nhiều năm, vị trí ngôi mộ của ông bị mất và lối vào mộ bị bao phủ bởi các mảnh vỡ từ một cấu trúc lăng mộ được xây dựng sau này.
Chuyên gia Christian Eckmann đang khôi phục mặt nạ của Vua Tutankhamun. |
Phần lớn những gì được biết về Tutankhamun bắt nguồn từ việc phát hiện ngôi mộ của ông vào năm 1922 do nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter khai quật tại Ai Cập. Ngày 26 tháng 11 năm 1922, nhà khảo cổ Carter và đồng nghiệp George Herbert đồng bước vào khoang nội thất của ngôi mộ.
Vô cùng ngạc nhiên, họ đã tìm thấy nhiều thứ trong một cấu trúc nguyên vẹn một cách kỳ diệu. Bên trong các phòng, nhiều tranh vẽ trên các bức tường, kể câu chuyện về đám tang của Tutankhamun và cuộc hành trình của ông đến thế giới bên kia.
Ngoài ra trong phòng có nhiều đồ tạo tác khác nhau cho cuộc hành trình như dầu, nước hoa, đồ chơi từ thời thơ ấu của ông cùng nhiều đồ trang sức quý giá và những bức tượng bằng vàng và gỗ mun.
Các vật thể hấp dẫn và giá trị nhất được tìm thấy là quan tài bằng đá có chứa ba chiếc quan tài, trong số đó có chiếc quan tài cuối cùng được làm bằng vàng. Khi nắp quan tài thứ ba đã được nâng lên, xác ướp hoàng gia của vua Tut đã được tiết lộ, bảo quản trong hơn 3.000 năm.
Khi các nhà khảo cổ nghiên cứu xác ướp, họ đã tìm thấy nhiều hiện vật khác, bao gồm cả vòng tay, nhẫn và vòng cổ. Hơn 17 năm sau, Carter và các cộng sự của ông khai quật ngôi mộ một cách cẩn thận, khám phá cả bốn phòng, phát hiện ra một bộ sưu tập đáng kinh ngạc chứa đựng hàng ngàn vật thể vô giá…
Mặt nạ của Tutankhamun là một trong những hiện vật nổi tiếng nhất trong Bảo tàng Ai Cập, may mắn thay, những thiệt hại dường như đã được hồi phục. Bộ trưởng di tích cổ Ai Cập, Mamdouh el-Damaty nói với các phóng viên The Associated Press “Chiếc mặt nạ vô giá đã được tu sửa rất tốt và bộ râu được gắn trở lại bằng sáp ong hết sức thành công”.
Sau khi các chuyên gia Đức-Ai Cập đã loại bỏ các chất keo kém chất lượng và sử dụng sáp ong gắn lại bộ râu. Sáp ong vốn thường được sử dụng như một chất kết dính tốt dành cho các cổ vật. Công việc tu sửa, phục hồi bộ râu hoàn tất, chiếc mặt nạ Vua Tutankhamun đã được trưng bày trở lại tại Bảo tàng Ai Cập .
HOÀNG ĐẶNG