Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner cảnh báo cuộc khủng hoảng nhập cư có thể đe dọa sự tồn tại của Liên minh châu Âu (EU) nếu nó không được kiểm soát. Từ đầu năm 2016 đến nay, hơn 100.000 người nhập cư đã tới châu Âu.
Trong gần 2 tháng đầu năm nay, hơn 100.000 người tị nạn đã đến châu Âu. Ảnh: AFP |
Ngày 25-2, bộ trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong lúc các cảnh báo đang gia tăng rằng, cuộc khủng hoảng nhập cư có thể đe dọa sự tồn tại của liên minh này.
Tại Brussels, các bộ trưởng nội vụ EU nghe Áo và 8 quốc gia vùng Balkan giải trình về những kế hoạch nhằm hạn chế số người nhập cư, trong đó có cả biện pháp lấy dấu vân tay tất cả những người tị nạn và sau đó từ chối tiếp nhận những người không có hộ chiếu hoặc sử dụng giấy tờ tùy thân giả.
Theo BBC, Áo và các quốc gia vùng Balkan đã nhất trí những biện pháp nhằm hạn chế số người nhập cư. Tuy nhiên, ý định này bị phía Hy Lạp chỉ trích mạnh mẽ. Tại Hy Lạp, hàng ngàn người tị nạn đang mắc kẹt sau khi Macedonia đóng cửa với người Afghanistan. Trong khi đó, Hungary công bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý xung quanh việc quốc gia này có nên chấp nhận hạn ngạch bắt buộc về số người nhập cư được phép nhập cảnh vào nước này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhấn mạnh, việc đặt ra các hạn mức tiếp nhận người nhập cư “có thể làm thay đổi đặc trưng văn hóa và tôn giáo của châu Âu”. Theo sự phê chuẩn của Quốc hội Hungary, cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào mùa thu năm nay.
Bên cạnh đó, các nước cũng cam kết chỉ chấp nhận những người đang thực sự cần được bảo vệ. Khái niệm này theo một số nước nghĩa là chỉ có người dân Syria và Iraq mới được phép tị nạn tại EU trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner gọi những biện pháp này là “phản ứng đánh giá dây chuyền” và cảnh báo cuộc khủng hoảng nhập cư có thể đe dọa sự tồn tại của EU nếu nó không được kiểm soát.
Tuy nhiên, kế hoạch nói trên khiến Hy Lạp phản ứng mạnh. Athens đe dọa sẽ ngăn chặn mọi quyết định tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới về vấn đề nhập cư nếu các nước thành viên không chịu tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng, nước ông đang biến thành “nơi lưu trữ thường trực của các tâm hồn” và không thể bị bỏ mặc một mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. “Kể từ nay trở đi, Hy Lạp sẽ không chấp nhận mọi thỏa thuận nếu chúng tôi không được bảo đảm sẽ có sự chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm theo tỷ lệ giữa các quốc gia thành viên EU”, ông Tsipras nói.
Không khí cuộc trao đổi bế tắc với những cáo buộc, đổ lỗi cho nhau giữa các bộ trưởng EU. Một nhà ngoại giao nhận định: Tình hình đã tệ, nay còn tệ hơn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo, thất bại trong việc tìm ra cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư có thể dẫn tới khả năng rất lớn là người dân Vương quốc Anh sẽ bỏ phiếu lựa chọn rời EU.
Tháng 9 năm ngoái, các bộ trưởng EU đã thống nhất kế hoạch đưa 120.000 người nhập cư từ Ý, Hy Lạp và Hungary sang các quốc gia EU khác. Tuy nhiên, quyết định được nhất trí với đa số phiếu này rốt cuộc đã bị Romania, Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary phản đối.
Trong một diễn biến liên quan, tại Pháp, một thẩm phán sẽ phải ra quyết định thực thi ngay hay tạm hoãn lệnh trục xuất 1.000 người nhập cư khỏi khu lều tạm ở Calais. Bỉ cũng đã bắt giữ 80 người nhập cư tại biên giới với Pháp kể từ lúc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới vào ngày 22-2. Nhiều người trong số dân nhập cư này được cho là đến từ khu trại Calais.
Trong khi đó, truyền thông Đức dẫn nguồn tin từ chính phủ cho biết, dự kiến đến năm 2020, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tiếp nhận 3,6 triệu người nhập cư. Trong bối cảnh Đức triển khai các biện pháp giảm số người xin cư trú tị nạn, một chuyến bay đặc biệt khởi hành từ Đức đã đưa 125 người Afghanistan bị trục xuất khỏi nước này đã đến thủ đô Kabul.
TRẦN ĐẮC LUÂN