Quốc tế

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria

Tín hiệu của hy vọng

08:28, 24/02/2016 (GMT+7)

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon gọi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria là “tín hiệu của hy vọng” vốn được chờ đợi từ lâu. Ông thúc giục các bên tuân thủ thỏa thuận này.

Quân đội Syria trong một buổi huấn luyện tại al-Qtaifeh, phía bắc Damascus.					  Ảnh: AFP
Quân đội Syria trong một buổi huấn luyện tại al-Qtaifeh, phía bắc Damascus. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, Mỹ và Nga tối 22-2 đã công bố kế hoạch ngừng bắn một phần ở Syria nhưng có những hoài nghi rằng, liệu lệnh ngừng bắn này có hiệu lực đúng vào ngày 27-2 tới hay không. Washington và Mátxcơva đang dẫn đầu những nỗ lực ngoại giao để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở Syria.

Tuy 2 cường quốc này đứng về 2 phía khác nhau trong cuộc xung đột: Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn Mỹ ủng hộ phe đối lập, nhưng trong những tuần gần đây, Washington và Mátxcơva đã cùng kêu gọi ngừng bắn.

Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc trao đổi qua điện thoại về kế hoạch ngừng bắn, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng, đây là “thời điểm mang tính cơ hội” và các bên cần tận dụng nó. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ làm “tất cả những gì cần thiết” để bảo đảm Damascus tôn trọng thỏa thuận.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria là “tín hiệu của hy vọng” vốn được chờ đợi từ lâu và thúc giục các bên tuân thủ thỏa thuận này. Theo ông Ban Ki-moon, lệnh ngừng bắn góp phần tạo ra bầu không khí dẫn đến việc khôi phục các cuộc đàm phán chính trị vốn đang bế tắc vì sự bất đồng và khác biệt giữa các bên.

Cũng theo AFP, Mỹ và Nga tán thành việc các bên sẽ ngừng mọi hành động thù địch tại Syria sau nửa đêm 26-2. Song, thỏa thuận không áp dụng đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các thành viên Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Thỏa thuận kêu gọi lực lượng của Tổng thống Assad và phe đối lập thống nhất vào trưa 26-2 để chấm dứt tình trạng thù địch, trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Cả Mỹ lẫn Nga đều đang theo đuổi các chiến dịch không kích ở Syria. Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào những vị trí của IS ở Syria và Iraq từ năm 2014. Còn Nga bắt đầu chiến dịch của mình ở Syria vào tháng 9-2015 làm thay đổi cục diện trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

Các nhà phân tích cho rằng, những gì diễn ra trong những ngày qua, nhất là tình hình bạo lực dữ dội, có thể hủy hoại lệnh ngừng bắn. Lệnh ngừng bắn trước đó cũng được các nhà ngoại giao công bố tại Munich (Đức) hồi đầu tháng 2 này nhưng đã thất bại. Tuy nhiên, theo Reuters, trong ngày 23-2, chính phủ Syria nói rằng sẽ ngừng các hoạt động chiến đấu theo kế hoạch của Mỹ và Nga.

Damascus cũng khẳng định sẽ hợp tác với đồng minh Mátxcơva để quyết định nhóm và khu vực nào nằm trong thỏa thuận. Tuyên bố của chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phong tỏa các đường biên giới, chấm dứt sự hậu thuẫn của nước ngoài đối với các nhóm vũ trang… Tổng thống Assad cũng ấn định bầu cử Quốc hội của nước ông sẽ được tổ chức vào ngày 13-4 tới và ông đã ban hành sắc lệnh phân bổ số ghế cho mỗi tỉnh. Cuộc bầu cử lần gần đây nhất ở Syria là vào tháng 5-2012.

Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh kế hoạch ngừng giao tranh ở Syria nhưng theo Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus, Ankara không tỏ ra lạc quan về cuộc đàm phán chuyển tiếp chính trị ở đất nước Trung Đông này.

Các nhà điều tra của LHQ hiện cảnh báo, cuộc xung đột tại Syria đang diễn biến ngày càng xấu, theo chiều hướng bị quốc tế hóa. Dù thỏa thuận ngừng bắn đã được công bố, dù Syria đã ấn định ngày bầu cử Quốc hội, nhưng chưa có gì cho thấy khủng hoảng lắng xuống và triển vọng hòa bình cho đất nước rơi vào nội chiến trong nhiều năm sẽ mở ra.

PHÚC NGUYÊN

.