Quốc tế
Bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Cuba
Phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ đã được mở lại tại thủ đô Havana, Tổng thống Barack Obama gọi việc ông đến thăm Cuba là “chuyến thăm lịch sử” và là “cơ hội lịch sử” để gạt bỏ mối thù thời Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama rời chiếc Air Force One khi tới sân bay quốc tế ở Havana. Ảnh: Reuters |
Tại sân bay quốc tế Jose Marti ở Havana ngày 20-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đệ nhất phu nhân Michelle, các con gái là Sasha và Malia nở nụ cười tươi tắn khi rời chiếc Air Force One. Tháp tùng ông Obama có Ngoại trưởng John Kerry, lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Nancy Pelosi, cùng các bộ trưởng... Đón tiếp họ là Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez.
Hai giờ sau khi đặt chân đến Havana, ông Obama có cuộc gặp và phát biểu với đội ngũ nhân viên của Đại sứ quán Mỹ mới mở tại Havana. Ông nói: “Thật tuyệt vời khi được ở đây. Năm 1928, Tổng thống Calvin Coolidge đến Cuba trên một chiếc tàu chiến. Ông ấy đã mất 3 ngày để tới đây, nhưng tôi chỉ mất 3 giờ đồng hồ. Lần đầu tiên chiếc Air Force One đã hạ cánh ở Cuba và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi đến đây”.
Nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ gọi đây là “chuyến thăm lịch sử” và “cơ hội lịch sử”. “Việc có một đại sứ quán Mỹ tại Cuba đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thúc đẩy các giá trị và lợi ích của Mỹ hữu hiệu hơn cũng như hiểu rõ hơn những mối quan tâm của người dân Cuba”, ông Obama nói.
Trong chương trình nghị sự, ông Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, nhưng không gặp vị lãnh tụ Fidel Castro. Hai nhà lãnh đạo sẽ cùng trao đổi về cải cách chính trị cùng vấn đề thương mại giữa Mỹ và Cuba.
Chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ cùng gia đình là điểm nhấn quan trọng trong một loạt động thái ấm dần thêm của mối quan hệ từng một thời đối địch. Báo chí quốc tế cho rằng, chuyến thăm đầu tiên trong gần 90 năm của một tổng thống Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro sẽ cùng tham dự buổi dạ tiệc. Họ cũng sẽ có một cuộc họp báo chung và cùng trao đổi những vấn đề hợp tác thương mại. Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ: Ông Obama sẽ gặp gỡ với những người thuộc lực lượng chính trị đối lập, bất kể việc chính quyền Cuba có thích điều đó hay không.
Dẫu vậy, chuyến công du của ông Obama vẫn chưa phải là dấu ấn cho một giai đoạn bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Lệnh cấm vận kinh tế kéo dài 54 năm của Mỹ với Cuba vẫn còn đó và chỉ có thể được gỡ bỏ thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.
Trong khi đó, Cuba vẫn không hài lòng về căn cứ hải quân của Mỹ đóng tại Vịnh Guantanamo. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cuba cũng khiến cho Washington bị tổn thất nặng nề, ước tính tiêu thụ và xuất khẩu của Mỹ thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm. Theo tính toán của Quỹ chính sách Cuba, mức thiệt hại của nền kinh tế Mỹ lên tới 3,6 tỷ USD/năm. Giới phân tích cho rằng, nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Mỹ có thể giành được lợi ích lớn.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua. Tháng 12-2014, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro đã đồng thuận chấp dứt nhiều thập kỷ đóng băng quan hệ kể từ năm 1959.
Kể từ năm 2014, hai bên đã có những hợp đồng thương mại về viễn thông và các dịch vụ hàng không theo kế hoạch, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường.
Tuần trước, ông Obama đã gửi một bức thư trong chuyến bay đầu tiên của dịch vụ bưu chính được khôi phục lại giữa Mỹ và Cuba kể từ 1959.
Ngày 20-3, hãng khách sạn Starwood của Mỹ đã trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đã ký kết được hợp đồng “lịch sử” với chính quyền Cuba kể từ năm 1959. Theo đó, công ty này sẽ tân trang và đưa vào hoạt động 3 khách sạn tại thủ đô Havana.
Theo báo New York Times, chuyến thăm của Tổng thống Obama giàu ý nghĩa biểu tượng, nhưng cũng cho thấy sự khởi đầu của một kỷ nguyên hợp tác mới giữa Mỹ và Cuba có thể mở ra cánh cổng cho thương mại và du lịch. Tuy nhiên, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cũng được cho là không đơn giản khi nhiệm kỳ của ông Obama sắp kết thúc.
TRẦN ĐẮC LUÂN