Đà Nẵng cuối tuần

Kiệt tác bị đánh cắp

13:20, 20/03/2016 (GMT+7)

Nhật báo  El Pais (Tây Ban Nha) đầu tuần qua đưa tin: năm bức tranh của nghệ sĩ người Anh Francis Bacon trị giá 30 triệu euro đã bị đánh cắp từ chủ sở hữu tại căn nhà ở Madrid.

“Three Studies of the Lucian Freud” - Tranh bộ ba “Nghiên cứu chân dung của Lucian Freud”.
“Three Studies of the Lucian Freud” - Tranh bộ ba “Nghiên cứu chân dung của Lucian Freud”.

Nguồn tin thân cận từ cuộc điều tra cho biết, kẻ lấy cắp những tác phẩm đắt giá nói trên hết sức chuyên nghiệp, đã vô hiệu hóa hệ thống báo động, camera an ninh. Những tên trộm hoàn toàn không để lại dấu vết nào, không những thế, chúng còn theo dõi sít sao giờ khắc vắng mặt của chủ nhà.

Theo các trích dẫn chi tiết từ cuộc điều tra, báo El Pais còn cho biết thêm: 5 tác phẩm nghệ thuật, bao gồm các bức chân dung và phong cảnh đã bị đánh cắp từ cuối tháng 6-2015 nhưng tin báo về việc mất trộm đến bây giờ mới được công bố.

Tuy chưa xác định rõ ràng và chính xác từng bức tranh nhưng một chuyên gia nghệ thuật đương đại (giấu tên)  nói với tờ báo rằng, những bức tranh bị mất cắp đó kẻ trộm khó lòng bán lại cho bất kỳ ai. Vì để bán được tác phẩm của Francis Bacon, dù với kích thước lớn hay nhỏ là việc không dễ dàng, nhất là thông tin về số tranh do “trộm cắp mà có” cũng đã đến tai những người sành sõi trên lĩnh vực buôn bán tác phẩm nghệ thuật.

Francis Bacon
Francis Bacon

Cảnh sát đặc biệt chuyên truy tìm tội phạm trộm cắp tác phẩm nghệ thuật giá trị hay đồ cổ quý hiếm đang vào cuộc điều tra. Nhiều người tin rằng chủ nhân của những bức tranh bị mất có thể là bạn rất thân của họa sĩ Francis Bacon.

Giá bán tác phẩm của Francis Bacon được xếp vào hàng đầu trong số 10 tác giả có giá tranh cao nhất, đặc biệt bức tranh bộ ba “Nghiên cứu về chân dung Lucian Freud”- người bạn thân, đồng nghiệp của Bacon - đã phá kỷ lục thế giới về giá bán: 142 triệu USD trong cuộc bán đấu giá vào năm 2013, do Công ty Christie ở New York tổ chức. Trong khi giá ước tính đưa ra ban đầu của ban tổ chức chỉ vào khoảng 85 triệu USD. Giá bán này đã vượt quá mức 120 triệu USD đã trả cho bức “The Scream” (Tiếng thét) của Edvard Munch trong năm 2012.

Francis Outred, nhà phê bình nghệ thuật đương đại châu Âu đã mô tả tranh của Bacon như một “kiệt tác thực sự đánh dấu mối quan hệ Bacon và Freud”. Cặp đôi đã được bạn bè và các đối thủ biết đến và yêu mến kể từ giữa những năm 1940. Francis Bacon qua đời tại Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 4-1992, ở tuổi 82. Freud qua đời năm 2011 ở độ tuổi 88. Ông nói với hãng thông tấn Reuters “Ánh nắng mặt trời rạng rỡ trong tranh tương phản màu vàng như  sự chống chọi với thể lực tàn bạo… tất cả làm cho tác phẩm nghệ thuật của Bacon rất đáng kể”.

Francis Bacon được coi là một trong những họa sĩ lớn của Anh trong Thế chiến II cũng như ảnh hưởng quan trọng trên thế hệ tiếp theo. Tác phẩm của ông được sở hữu ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới.
Francis Bacon sinh ở  Dublin, Ai-len vào năm 1909,  là hậu duệ và trùng tên với triết gia nổi tiếng thế kỷ 16-17. Bacon lớn lên ở Anh, ông bị bệnh suyễn nên được dạy kèm tại nhà.

Vì cha mẹ không chấp nhận giới tính của ông, Bacon rời nhà vào năm 1927 lúc 17 tuổi. Ông đến Berlin, Đức, tham gia vào cuộc sống về đêm cùng nhóm đồng tính của thành phố và sau đó đến Paris, Pháp, nơi Francis Bacon quan tâm đến nghệ thuật.

Khi Bacon trở về London vào cuối năm 1920, ông bắt đầu một sự nghiệp qua công việc trang trí, thiết kế nội thất bằng phong cách Art Deco, chịu ảnh hưởng  nghệ thuật hiện đại. Ngoài ra, ông bắt đầu tự học vẽ. Giai đoạn  đầu tranh ông mang phong cách lập thể, chịu ảnh hưởng của Pablo Picasso và sau đó chuyển qua siêu thực. Vào năm 1937, ông tham gia một cuộc triển lãm nhóm London mang tên “Họa sĩ trẻ người Anh”.

Một số tác phẩm trong những năm 1960, Bacon miêu tả một nhân vật nam duy nhất trong trang phục kinh doanh, nhân vật trong tranh thường được thể hiện với tỷ lệ và đặc điểm kỳ quặc. Bacon sử dụng màu sắc sáng, nhưng các chủ đề về lên án bạo lực giữ vị trí trung tâm cho tác phẩm nghệ thuật. Ông cũng thường xuyên vẽ chân dung những người thân thiết, trong đó có nghệ sĩ đồng nghiệp Lucian Freud và George Dyer, “người tình” cùng giới tính của Bacon.

Người nghệ sĩ được biết nhiều vì sự đồng tính và lang bạt vẫn duy trì một căn nhà và một xưởng vẽ nổi tiếng lộn xộn ở London, vẫn tiếp tục vẽ cho đến khi kết thúc cuộc sống của mình.

HOÀNG ĐẶNG

.