Quốc tế

Châu Âu không đầu hàng khủng bố

08:17, 24/03/2016 (GMT+7)

Châu Âu cho rằng, thảm kịch vừa xảy ra tại Brussels (Bỉ) chỉ làm tăng ý chí và quyết tâm bảo vệ những giá trị vốn có của lục địa già cỗi này. Các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp đều khẳng định, không đầu hàng chủ nghĩa khủng bố. 

Quân đội Bỉ phong tỏa lối đi gần sân bay ở Brussels. Bỉ vẫn đặt cảnh báo khủng bố ở mức cao nhất.  							Ảnh: Reuters
Quân đội Bỉ phong tỏa lối đi gần sân bay ở Brussels. Bỉ vẫn đặt cảnh báo khủng bố ở mức cao nhất. Ảnh: Reuters

Ngày 23-3, trên khắp châu Âu, từ tháp Eiffel (Pháp) đến cổng Brandenburg (Đức) được thắp sáng bằng ba màu đen, vàng, đỏ theo quốc kỳ của Bỉ nhằm bày tỏ tình đoàn kết và chia sẻ với thảm kịch mà Brussels vừa gánh chịu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ đánh bại những ai đe dọa sự an toàn và an ninh của người dân trên khắp thế giới. Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande... tuyên bố không đầu hàng chủ nghĩa khủng bố.

Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker nói: “Những vụ việc như thế này làm chúng ta đau lòng nhưng không làm chúng ta sợ hãi”. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, gọi các vụ tấn công ở Brussels là nhằm vào một châu Âu dân chủ.

Thủ tướng Đan Mạch, Lars Lokke Rasmussen bày tỏ sự thương tiếc và giận dữ. “Hãy truy lùng chúng và cùng đoàn kết trong cuộc chiến vì các giá trị của EU”.

Trong khi đó, Bỉ đang trải qua 3 ngày quốc tang trong sự bàng hoàng. Các lễ thắp nến đã diễn ra vào ngày 23-3. Hàng ngàn người đến tưởng niệm các nạn nhân trong tâm trọng lo lắng, sợ hãi các vụ tấn công tương tự có thể tiếp diễn.

Theo Reuters, đến ngày 23-3, số người chết trong 3 vụ tấn công được giới chức Bỉ xác nhận ít nhất 31 người, ngoài ra có khoảng 260 người khác bị thương. Song, số người chết có thể tăng bởi thi thể các nạn nhân ở nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek không còn nguyên vẹn và khó nhận dạng.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, đồng thời cảnh báo sẽ còn nhiều vụ việc tương tự diễn ra. Tuyên bố này được đưa ra sau 4 ngày giới chức Bỉ bắt giữ Salah Abdeslam - nghi can hàng đầu trong vụ tấn công Paris hồi tháng 11 năm ngoái.

Nếu quả thật IS là thủ phạm thì các vụ tấn công ở Brussels có liên quan trực tiếp đến vụ bắt giữ Abdeslam và đây là hành động trả thù của các chiến binh Hồi giáo. Điều đáng nói Abdeslam đã lẩn trốn trong suốt 4 tháng ở Brussels mà không bị phát hiện. Theo các nhà quan sát, điều này cho thấy, mạng lưới cực đoan đã được dựng lên vững chắc ngay trong lòng châu Âu.

Qua camera an ninh ở sân bay Brussels, cảnh sát Bỉ xác định 2 nghi can. Đó là hai anh em Khalid và Brahim El Bakraoui, sống tại Brussels. Cả hai đều đeo găng tay màu đen, có thể để che thiết bị kích nổ chiếc áo cài bom mà chúng mặc trên người.

Theo hồ sơ của cảnh sát, Khalid và Brahim El Bakraoui liên quan các tổ chức tội phạm chứ không dính líu đến các tổ chức khủng bố. Khalid đã dùng tên giả để thuê một căn hộ tại Brussels. Khi lục soát, cảnh sát tìm thấy nhiều kíp nổ, súng trường, cờ IS và dấu vân tay của Abdeslam. Khalid và Brahim El Bakraoui đã chết trong vụ đánh bom.

Theo nguồn tin ban đầu của cảnh sát, nghi can thứ ba là Najim Laachraoui (25 tuổi), bị bắt giữ tại quận Anderlecht ở Brussels vào ngày 23-3. Tuy nhiên, sau đó, báo chí đưa tin: nghi can bị bắt không phải là Laachraoui.

Hà Lan thắt chặt an ninh

Các quan chức an ninh Hà Lan, ngày 23-3 nói rằng, cảnh sát và quân đội nước này được trang bị vũ khí nặng hơn đang tăng cường bảo vệ biên giới và những khu vực có nguy cơ cao xảy ra tấn công. Song, Cơ quan điều phối quốc gia về an ninh và chống khủng bố của Hà Lan không cho biết cụ thể đó là những loại vũ khí gì.

Lãnh sự quán Hà Lan tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán nhân viên và tạm thời đóng cửa do lo ngại khủng bố.

Các nhà điều tra Bỉ đã “khoanh vùng” đối tượng Laachraoui sau khi bắt Abdeslam. Theo hình ảnh từ camera, nghi can thứ ba mặc áo choàng, đội nón, đẩy xe hành lý đi vào sân bay, để lại quả bom tại sân bay, nhưng nó không phát nổ.

Theo AFP, Laachraoui được cho là đã đến Syria vào tháng 2-2013. Laachraoui cũng từng tới Hungary với Salah Abdeslam vào tháng 9-2015.

Sân bay và các nhà ga tàu điện ngầm ở Brussels vẫn đóng cửa trong ngày 23-3. Các quan chức hàng không cho hay, họ hoãn khoảng 600 chuyến bay/ngày trong ngày 23 và 24-3. Lực lượng an ninh đứng gác dày đặc xung quanh các trụ sở của EU.

Giới chức Bỉ và Pháp đều nói rằng, trong những ngày gần đây, mạng lưới khủng bố đứng sau các vụ tấn công Paris có thể lớn hơn suy đoán. Và những gì vừa xảy ra cho thấy, IS đã tấn công ở cả Paris lẫn Brussels.

Phát biểu trên đài phát thanh Europe-1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng, đang có một cuộc chiến tranh mà chủ nghĩa khủng bố tuyên bố không chỉ thực hiện ở Pháp, châu Âu mà còn ở khắp thế giới. Ông Valls đã đến Brussels ngay trong ngày 23-3, đồng thời thúc giục thắt chặt kiểm soát biên giới châu Âu.

PHÚC NGUYÊN
 

.