Quốc tế

Nổ lớn làm rung chuyển nước Bỉ

07:58, 23/03/2016 (GMT+7)

Nước Bỉ ngày 22-3 chấn động khi ít nhất 34 người chết, gần 200 người bị thương sau 3 vụ nổ bất ngờ xảy ra tại sân bay và ga tàu điện ngầm ngay trung tâm Brussels. Thủ tướng Bỉ Charles Michel gọi đây là “ngày đen tối”, đồng thời mô tả các vụ tấn công là “mù quáng, bạo lực và hèn nhát”.

Bỉ nâng báo động khủng bố lên mức cao nhất và thắt chặt an ninh tại các sân bay, nhà ga khắp cả nước. 			      Ảnh: AFP
Bỉ nâng báo động khủng bố lên mức cao nhất và thắt chặt an ninh tại các sân bay, nhà ga khắp cả nước. Ảnh: AFP

Theo Reuters, các vụ nổ đã làm rung chuyển khu sảnh đi của sân bay ở Brussels, cùng với vụ nổ thứ hai xảy ra sau đó tại ga tàu điện ngầm Maelbeek khiến người dân Bỉ bàng hoàng.

“Thời khắc bi thảm trong lịch sử Bỉ”

Hãng thông tấn Belga cho biết, có những tiếng súng bắn và tiếng la hét bằng tiếng Arab ngay trước khi xảy ra các vụ nổ tại sân bay. Các bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy khói bốc lên từ các tòa nhà sân bay xuyên qua các ô cửa sổ vỡ vụn và nhiều hành khách bỏ chạy tán loạn.

Phóng viên Alex Rossi của hãng truyền hình Sky News (Anh) xác nhận, tại sân bay, ông nghe những tiếng nổ rất lớn. Các đoạn video cũng cho thấy cảnh tan hoang bên trong sảnh ga đi của sân bay với phần vật liệu lát trên trần nhà cùng các tấm kính vỡ tung tóe trên khắp sàn nhà. Trong số những người bị thương có 1 nhà ngoại giao Slovenia.

Theo đài RTBF, ga tàu điện ngầm xảy ra vụ nổ gần với các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU). Các cơ quan của những tổ chức quốc tế khác cũng ở gần các ga tàu điện ngầm tại Brussels. Sân bay Brussels đã hủy mọi chuyến bay và sơ tán toàn bộ khu vực. Hành khách được đưa tới tạm trú ở những khu vực an toàn. Toàn bộ hệ thống metro ở Brussels cũng bị đóng cửa.

Ngay sau vụ tấn công, cổ phiếu châu Âu sụt giảm mạnh, nhất là các cổ phiếu trong lĩnh vực lữ hành bao gồm các hãng bay và khách sạn.

Cảnh sát Bỉ chưa khẳng định về nguyên nhân vụ nổ. Tuy nhiên, trên toàn khu vực Tây Âu đều đã có những cảnh báo ở mức cao về nguy cơ các vụ tấn công do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành.

Đài VTM và RTBF dẫn lời công tố viên liên bang của Bỉ cho hay, những vụ nổ gây chết người ở sân bay do kẻ đánh bom tự sát tiến hành. Trong cuộc họp báo truyền trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Charles Michel cũng xác nhận điều này.

Ông lên án các vụ đánh bom liều chết và gọi đây là “ngày đen tối”, là “thời khắc bi thảm trong lịch sử của đất nước chúng ta”. “Điều chúng ta lo sợ đã xảy ra”, ông nói, đồng thời kêu gọi người dân Bỉ bình tĩnh và đoàn kết. Theo AFP, Thủ tướng Michel còn mô tả các vụ tấn công là “mù quáng, bạo lực và hèn nhát”.

Các nhân viên an ninh và cứu hộ tập trung tại nhà ga Maelbeek. 	 Ảnh: THX
Các nhân viên an ninh và cứu hộ tập trung tại nhà ga Maelbeek. Ảnh: THX

Nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Cũng trong ngày 22-3, Bỉ nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất. Theo đó, cảnh báo được tăng từ mức 3 lên mức 4 - mức tối đa và áp dụng trên khắp cả nước.

Trước các vụ nổ 4 ngày, cảnh sát Bỉ đã bắt được Salah Abdeslam, nghi phạm duy nhất trong vụ tấn công Paris (Pháp) hồi tháng 11 năm ngoái còn sống và lẩn trốn tại Bỉ suốt nhiều tháng qua.

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon ngày 21-3 cảnh báo về việc Bỉ cần duy trì tinh thần cảnh giác rất cao trước nguy cơ tấn công trả thù của lực lượng thánh chiến sau vụ bắt giữ tên Abdeslam. Giờ đây, ông Jan Jambon nói: “Chúng tôi hiểu rằng việc ngăn chặn một phần tử có thể sẽ thúc đẩy những phần tử khác hành động. Chúng tôi hiểu điều đó trong vụ việc này”.

Nhà điều tra Pháp Francois Molins trong cuộc họp báo tại thủ đô Paris ngày 19-3 cho biết, Abdeslam là công dân Pháp sinh ra và lớn lên tại Brussels đã thú nhận với các nhà điều tra rằng, hắn từng muốn tự kích bom nổ tung cùng những người khác ở sân vận động Stade de France vào đêm IS tổ chức loạt tấn công, nhưng sau đó hắn đã không làm như vậy. Pháp đã đề nghị Bỉ dẫn độ đối tượng nguy hiểm này về Paris để xét xử.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 22-3 triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp với sự tham gia của Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve. Giới chức ngay lập tức triển khai thêm 1.600 cảnh sát ở biên giới, đồng thời tăng cường an ninh tại các sân bay và nhà ga.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng triệu tập cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp. An ninh được tăng cường tại sân bay Gatwick (London). Hiện Anh vẫn duy trì cảnh báo khủng bố ở mức “nghiêm trọng”, mức cao thứ hai trong thang báo động khủng bố, đồng nghĩa với việc một vụ tấn công khủng bố có khả năng cao xảy ra ở nước này.

Thế giới lên án vụ tấn công

Các nhà lãnh đạo thế giới lên án những vụ tấn công ở Brussels. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bày tỏ sự kinh hoàng và cho rằng, hành động tấn công đánh dấu một tội ác nữa của những kẻ khủng bố. Ông kêu gọi EU hỗ trợ Bỉ và châu Âu để chống lại mối đe dọa này.

Trong một tuyên bố được AFP dẫn lời, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, qua các vụ tấn công ở Brussels, cả châu Âu bị chấn động. Người đứng đầu Điện Elysée thúc giục châu lục già cỗi này có “những bước đi quan trọng khi đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng”.

“Bản thân nước Pháp đã bị tấn công hồi tháng 1 vừa qua và tháng 11 năm ngoái. Pháp kiên quyết tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố ở trong nước và quốc tế”, ông Hollande nhấn mạnh.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng bày tỏ sự bàng hoàng và tuyên bố London sẽ “làm tất cả những gì có thể” để giúp Bỉ điều tra vụ việc. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven gọi đây là “cuộc tấn công vào nền dân chủ châu Âu”. Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen bày tỏ sự căm phẫn và nói rằng, các vụ tấn công ở Brussels là hành động hèn hạ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gọi vụ tấn công là “hành động man rợ”. Ông gửi lời chia buồn đến Nhà vua Philippe của Bỉ.

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, ông Putin cam kết “đoàn kết với người Bỉ trong những giờ phút khó khăn này”.

Chính phủ Hà Lan lo ngại nước này có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của các cuộc tấn công tương tự. Các biện pháp an ninh được tăng cường ngay tại các sân bay lớn như Schiphol, Rotterdam và Eindhoven. Khu vực đường biên giới của Hà Lan với Bỉ cũng được kiểm soát chặt.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho biết, ông bị sốc trước những hành động khủng bố ở Brussels và yêu cầu mở đường dây nóng dành cho công dân Áo đang thăm Bỉ.

Ngày 22-3, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve công bố thêm những biện pháp an ninh sau làn sóng tấn công ở Brussels (Bỉ). Ông Cazeneuve cho biết, Pháp đã ngăn cản 10.000 người vào quốc gia châu Âu này kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái làm 130 người chết.

"Đây là thời khắc bi thảm trong lịch sử của đất nước chúng ta… Hai vụ tấn công ở sân bay Zaventam và một vụ ở nhà ga tàu điện ngầm Maalbeek là mù quáng, bạo lực và hèn hạ"

Thủ tướng Bỉ Charles Michel

PHÚC NGUYÊN - ĐẮC LUÂN

.