Quốc tế

Khó tìm giải pháp cho Syria

08:07, 07/03/2016 (GMT+7)

Đàm phán gián tiếp về hòa bình Syria dự kiến được nối lại vào ngày 10-3 tới, trong lúc Liên Hợp Quốc nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn tạm thời vốn rất mong manh ở quốc gia Trung Đông này. Điều đáng nói là chưa rõ phe đối lập chủ chốt ở Syria có chịu tham gia vòng đàm phán mới hay không.

Làng al-Chifouniya ở ngoại ô thủ đô Damascus do lực lượng đối lập nắm giữ bị không kích vào ngày 4-3. Ảnh: AFP
Làng al-Chifouniya ở ngoại ô thủ đô Damascus do lực lượng đối lập nắm giữ bị không kích vào ngày 4-3. Ảnh: AFP

Một tuần áp đặt lệnh ngừng bắn tạm thời do Mỹ và Nga đề xuất đã trôi qua và lệnh ngừng bắn đang bước vào tuần thứ hai. Syria chỉ tạm yên tĩnh hơn so với khoảng thời gian trước đó.

Có đến 135 người chết chỉ trong vòng một tuần, đánh dấu sự mong manh của thỏa thuận mà chính đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura cũng cho rằng, khó có thể bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn sẽ thành công. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, riêng trong ngày 5-3 vừa qua có 9 vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và ngày 4-3 có đến 27 vụ vi phạm.

Mấu chốt của vấn đề là Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC), lực lượng đối lập chủ chốt ở Syria, đang miễn cưỡng tham gia nghị sự và Saudi Arabia, quốc gia ủng hộ HNC, vẫn một mực yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức.

Người phát ngôn của HNC Monzer Makhos xác nhận ủy ban này vẫn chưa quyết định tham gia đàm phán. Lý do mà phe đối lập đưa ra là đang chờ tiến trình nhân đạo và sự tôn trọng lệnh ngừng bắn của các bên.

Hơn nữa, theo Reuters, phe đối lập không hài lòng về việc thực thi thỏa thuận. Các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ Syria và lực lượng đối lập cáo buộc rằng, chính phủ - vốn được không quân Nga và các tay súng Hezbollah - hậu thuẫn vẫn duy trì các cuộc tấn công.

Theo AFP, trong sự thất bại của vòng đàm phán hòa bình lần đầu tiên diễn ra vào năm 2014, nguyên nhân chủ yếu do các bên không tìm được tiếng nói chung về số phận của Tổng thống Assad.

Giờ đây, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Mistura nói rằng, tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria sẽ bao gồm 3 chặng: đàm phán về việc thành lập chính phủ mới; xây dựng hiến pháp mới; tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống trong vòng 18 tháng. Theo đó, ông Mistura nhấn mạnh: Chỉ có người dân Syria, chứ không phải các thế lực bên ngoài, mới có quyền quyết định số phận của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir vẫn muốn ông Assad “phải rời nhiệm sở khi bắt đầu tiến trình”.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, nước ông và Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ lệnh ngừng bắn, đồng thời “không có sự khác biệt nào giữa 2 nước” trong việc ngừng chiến tranh và cung cấp viện trợ nhân đạo. Cùng với Nga, Iran ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Assad, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn lực lượng chống lại nhà lãnh đạo này.

Các ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức kêu gọi phe đối lập Syria tham gia đàm phán; đồng thời cảnh báo đàm phán sẽ chỉ thành công nếu các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn và công tác hỗ trợ nhân đạo được thúc đẩy. Báo New York Times bình luận: Nếu tiếp tục duy trì thỏa thuận ngừng bắn thì đây là lần đầu tiên nỗ lực ngoại giao được phát huy tác dụng trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua.

VĨNH AN

.