Đà Nẵng cuối tuần
Trả tiền cho dân đi xe đạp
Năm 2014, chính quyền thủ đô Paris, Pháp thực hiện chính sách trả tiền cho người đi làm bằng xe đạp. Theo đó, những ai đi làm bằng xe đạp sẽ được trả 25 cent/km với thời hạn chi trả trong vòng 6 tháng. Trước Paris, những thành phố lớn khác ở châu Âu như Barcelona (Tây Ban Nha), Luân Đôn (Anh), Stockholm (Thụy Điển)... đã thử nghiệm thành công kế hoạch này cũng như việc chia sẻ xe đạp cho người dân.
Người đi xe đạp ở Milan. |
Thành phố Milan của nước Ý nổi tiếng với xe máy Vespa và ô-tô hiệu Fiat cùng phong cách lái xe điêu luyện trên đường phố. Sự hào hoa và thịnh vượng đó khiến cho bầu không khí ở Milan ô nhiễm nghiêm trọng tới mức chính quyền nơi đây dự tính theo đuổi kế hoạch “thành phố xe đạp thân thiện”.
Trong năm 2015, chính quyền Milan đã phải cấm lưu thông ô-tô trong 3 ngày vì không khí quá mức ô nhiễm. 35 triệu euro từ ngân sách thành phố dự kiến sẽ được trích ra để chi ra cho người dân nếu họ chấp nhận đi làm bằng xe đạp.
Pierfrancesco Maran là ủy viên của hội đồng thành phố dự kiến sẽ là một trong những người tiên phong tham gia kế hoạch. Maran tin tưởng kế hoạch này sẽ thành công bởi vì nước Pháp từng thành công với kế hoạch này vào năm 2014.
Lúc đó, chính quyền Pháp trả 25 cent/km cho những ai đi làm bằng xe đạp. Số lượng người tham gia ở Paris lên tới 8.000 người. Một kế hoạch thử nghiệm khác cũng đã triển khai thành công ở Massarosa, nơi có 50 người đã tham gia.
Maran hy vọng ở Milan số lượng người tham gia sẽ nhiều hơn bởi những chiếc xe đạp trong danh sách đăng ký sẽ được hỗ trợ một ứng dụng điện thoại di động kèm theo để kiểm soát tốc độ, cũng như kiểm tra việc sử dụng xe. Thực ra việc đi lại bằng xe đạp ở Milan sẽ nhanh hơn đi bằng ô-tô bởi đường phố quá đông đúc.
Phó giáo sư Ralph Buehler về lĩnh vực đô thị và quy hoạch tại Virginia Tech (Mỹ) tin rằng một kế hoạch trả tiền đi kèm các biện pháp khác sẽ biến xe đạp trở thành giải pháp thực sự. Ông cho biết một nghiên cứu ở Mỹ cho kết quả 60% số người được hỏi thích thú với giải pháp đi làm bằng xe đạp nhưng với điều kiện môi trường đi lại an toàn (làn đường riêng, chỗ để xe tiện lợi).
Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) là hình mẫu về thành phố xe đạp thân thiện nhờ có hạ tầng rất tốt cho loại xe hai bánh đơn giản này. Số liệu từ chính quyền thành phố cho thấy chỉ có 6% số người ở Copenhagen đạp xe đi làm vì tiết kiệm tiền mua xăng dầu, 56% đi xe đạp vì tiện lợi và nhanh chóng, 19% vì sức khỏe, chỉ có 1% vì ý thức môi trường.
Chính vì thế, Milan hay bất cứ thành phố nào cũng cần phải tạo ra hạ tầng thật tốt mới hy vọng người dân đi xe đạp, chứ đừng mong người dân vì ý thức môi trường và “gò lưng trên yên sắt”.
ANH THƯ (Theo Guardian)