Quốc tế
Hành trình của nhà nữ quyền Emma Watson
“Tự yêu mình” và “học vấn”, đó là hai điều quan trọng mà nữ diễn viên, đại sứ thiện chí Liên Hợp Quốc (LHQ) Emma Watson cho là sẽ giúp phụ nữ toàn cầu mạnh mẽ, bản lĩnh và tiếp cận được nhiều cơ hội sống hơn.
Nữ diễn viên Emma Watson. Ảnh: Reuters |
Nữ diễn viên Emma Watson tâm đắc và đồng hành với những điều này trong cương vị nhà hoạt động nữ quyền, đại sứ thiện chí của cơ quan phụ nữ LHQ và là người phát động chiến dịch HeForShe, chiến dịch kêu gọi 100.000 nam giới toàn cầu đấu tranh vì bình đẳng cho nữ giới năm 2014.
Phụ nữ hãy biết yêu mình
Nổi lên từ vai diễn cô phù thủy nhỏ Hermione từ năm 9 tuổi trong loạt phim Harry Porter được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Anh J. K. Rowling, ở tuổi 25, cô gái trẻ Emma Watson quyết định ngừng 1 năm đóng phim để dành thời gian tham gia chiến dịch vì quyền bình đẳng nữ giới của LHQ và phát triển bản thân.
Emma tự nhận mình là nhà nữ quyền từ khi còn nhỏ. Cô nhớ lần đầu tiên cô dùng từ “nhà nữ quyền” là lúc 9 tuổi, trong một hội thảo về tập đầu tiên của loạt phim Harry Potter.
Theo thời gian, qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này và qua sách vở, băng đĩa, các bài nghiên cứu, những hiểu biết và niềm tin của Emma về trách nhiệm chia sẻ với phụ nữ càng được mài giũa thêm.
Mặc dù kế hoạch hoạt động của một đại sứ thiện chí của LHQ trong chiến dịch HeForShe năm nay đã được vạch ra rất rõ ràng, nhưng Emma thừa nhận, những quan điểm và góc nhìn của cô vẫn đang trong quá trình định hình.
Vì thế, cô đang tự đọc và học rất nhiều. Emma chia sẻ, cô vẫn đang trong hành trình sống với những đam mê học hỏi, cống hiến và có thể hành trình đó sẽ còn thay đổi. Nhưng nếu có thể trao tặng những người phụ nữ một điều gì đó có thể giúp họ tự giải phóng và mạnh mẽ thì Emma chọn cách giúp họ tự tin hơn.
“Tôi thấy rất nhiều phụ nữ vật lộn với chuyện tự tin. Họ biết và họ liên tục nghe, đọc trên sách báo nói rằng, biết tự yêu mình là điều vô cùng quan trọng, nhưng điều đó thực sự rất khó thực hiện”, Emma bày tỏ.
Mỗi tuần một cuốn sách
Emma cho biết, cô từng có ý định dành một năm đến trường để nghiên cứu về giới và những vấn đề liên quan. Nhưng rồi khi chia sẻ kế hoạch với mẹ, mẹ cô khuyên: “Con hoàn toàn có thể chứng minh rằng con quan tâm tới điều gì đó bằng cách dành thời gian lắng nghe và trò chuyện với càng nhiều người càng tốt và hãy cứ làm những gì con đang làm”.
Emma thấy mẹ có lý. Không cần phải cố chứng tỏ bản thân theo cách mà không ít người nổi tiếng vẫn làm chỉ vì áp lực từ dư luận. Ngoài đọc sách, cô nghe rất nhiều những chia sẻ của các chuyên gia về các lĩnh vực mình quan tâm.
Đầu năm nay, Emma thành lập CLB đọc sách nữ quyền có tên Our Shared Shelf (Giá sách chung của chúng ta) trên mạng xã hội Twitter. Ý tưởng này ngay lập tức được cư dân mạng tích cực đón nhận. Cựu cầu thủ người Mỹ Abby Wambach, diễn viên Sophia Bush và ca sĩ Kate Voegele là những người đầu tiên đăng ký tham gia. Emma cũng mời thêm ca sĩ Taylor Swift và nhà văn J. K. Rowling nhập cuộc.
Mỗi tuần Emma “giao nhiệm vụ” cho chính mình phải đọc xong một cuốn sách và mỗi tháng đọc thêm một cuốn nữa cho CLB sách Our Shared Shelf.
TRẦN ĐẮC LUÂN