Quốc tế
Sóng gió trên chính trường Brazil
Brazil, quốc gia đăng cai Thế vận hội mùa hè 2016 ở Rio de Janeiro vào tháng 8 tới, đang rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế. Tổng thống Dilma Rousseff đối mặt với áp lực từ chức. Liên minh cầm quyền cũng đang chia rẽ.
Tổng thống Dilma Rousseff đang đối mặt với áp lực từ chức. Ảnh: AFP |
Ngày 13-3, hơn 1 triệu người tràn xuống đường phố Brazil trong các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm chống chính phủ, kêu gọi Tổng thống Dilma Rousseff từ chức xung quanh vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Đất nước lớn nhất Mỹ Latinh đang rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế. Các cuộc biểu tình có nguy cơ xảy ra đụng độ và bạo lực.
Phát biểu với các hãng truyền thông vào tối 12-3, Tổng thống Rousseff kêu gọi không để xảy ra bạo lực. “Tôi nghĩ tất cả mọi người có quyền xuống đường. Tuy nhiên, không ai có quyền gây ra bạo lực”, bà Rousseff nói. Cuộc biểu tình lớn nhất được cho là ở Sao Paulo, trung tâm tài chính và là “thành trì” của phe đối lập chính. Sáng sớm 13-3, các cuộc biểu tình lớn được khơi mào ở 2 thành phố Rio và Brasilia. AFP dẫn lời Phó Chủ tịch đảng Xã hội dân chủ (PMDB), Bonifacio de Andrada nói rằng, người dân yêu cầu thay đổi chính phủ.
Thật ra, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2015. Cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn cũng đã diễn ra vào tháng 3 năm ngoái với 1,7 triệu người tham gia trên khắp đất nước Brazil, trong đó riêng ở Sao Paulo là 1 triệu người. 6 tháng sau đó là cuộc biểu tình với khoảng 1,2 triệu người tham gia.
Theo AFP, Tổng thống Rousseff cùng đảng Lao động (PT) cầm quyền bị mất uy tín nghiêm trọng do scandal tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras và do sự điều hành kém của bà đối với cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất của Brazil trong nhiều thập niên qua. Nhà lãnh đạo này đang đối mặt với cuộc luận tội tại Quốc hội. Đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Rousseff cho biết, trong vòng 30 ngày tới sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục ở lại trong thành phần của chính phủ hiện nay hay không.
Nghị sĩ Omar Terra, một trong những lãnh đạo của PMDB, khẳng định bà Rousseff không còn kiểm soát được đất nước nên không thể tập hợp bất kỳ sự ủng hộ nào, hay tìm ra lối thoát cho nền kinh tế. Là một trong những người ủng hộ phế truất Tổng thống, ông nói rằng, bà Rousseff có một sự lựa chọn là từ chức, nếu không sẽ đối mặt với một phiên luận tội tại Quốc hội. “Chính phủ đã có nhũng quyết định sai lầm. Nó đang đắm. PMDB không thể đắm cùng”, ông Terra nói với AFP.
Theo cáo buộc, liên quan đến vụ tham nhũng ở Petrobras còn có cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Ông Lula bị “tố” đã nhận hàng triệu USD tiền hoa hồng từ hợp đồng giữa các công ty xây dựng với Petrobras. Hồi đầu tháng này, cảnh sát đã khám xét nhà và áp giải ông đến thẩm vấn.
Ngoài ra, ông còn cho là liên quan tới hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và sở hữu một ngôi nhà sang trọng bên bờ biển tại Guaruja, bang Sao Paulo. Đến ngày 10-3, tòa án Sao Paulo ra lệnh tạm giam ông. Tuy nhiên, Tổng thống Rousseff cho rằng, việc tạm giam ông Lula là không công bằng và không bình thường. Bà còn muốn cựu Tổng thống tham gia nội các và có thể bổ nhiệm ông làm bộ trưởng.
Tổng thống Rousseff tuyên bố sẽ không từ chức. Song, AFP cho rằng, với những diễn biến trên chính trường Brazil, bà dường như đang mất dần các đồng minh. Không chỉ PMDB đang đe dọa phế truất Tổng thống đương nhiệm mà ngay cả lãnh đạo của đảng này, Phó Tổng thống Michel Temer, cũng tham gia vào phe chống lại bà. Ông Temer sẽ tạm nắm quyền nếu bà Rousseff bị luận tội. “Chúng tôi không thể phớt lờ sự thật là đất nước đang rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế vô cùng nghiêm trọng. Nhưng đây không phải là lúc chia rẽ người Brazil”, ông Temer nói.
Trong lúc này, bà Rousseff cần đến ông Lula hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, các cử tri ủng hộ ông Lula vì sự thành công trong việc đưa hàng triệu người Brazil thoát nghèo cũng sẽ ủng hộ bà Rousseff.
PHÚC NGUYÊN