Quốc tế

NHẬT BẢN TƯỞNG NIỆM NẠN NHÂN ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN

Nỗi đau còn đó

08:45, 12/03/2016 (GMT+7)

5 năm trôi qua, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục những nỗ lực tái thiết và tìm cách tránh lặp lại thảm họa động đất, sóng thần. Dù thời gian có thể xoa dịu những vết thương nhưng với người dân Nhật, nỗi đau vẫn còn đó, bởi thảm họa kép đã làm 18.000 người chết và mất tích, tàn phá nặng nề khu vực đông bắc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cúi đầu khi bắt đầu cuộc họp báo ở Tokyo ngày 10-3. Ông cam kết thúc đẩy những nỗ lực tái thiết ở khu vực phía bắc Nhật Bản, nơi bị tác động bởi sóng thần và nhà máy hạt nhân Fukushima.  		                     Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cúi đầu khi bắt đầu cuộc họp báo ở Tokyo ngày 10-3. Ông cam kết thúc đẩy những nỗ lực tái thiết ở khu vực phía bắc Nhật Bản, nơi bị tác động bởi sóng thần và nhà máy hạt nhân Fukushima. Ảnh: AP

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói rằng, Nhật Bản khiến cả thế giới phải nghiêng mình khi kiên cường vượt qua những mất mát sau thảm họa động đất, sóng thần và sẵn sàng để đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong tương lai.

Phát biểu của ông Ban Ki-moon được đưa ra đúng vào dịp Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa kép cách đây tròn 5 năm, làm ít nhất 18.000 người chết và mất tích, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử thời bình của cường quốc này tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi.

Hãng Reuters cho biết, người dân trên khắp đất nước Nhật đã dành 1 phút mặc niệm những người xấu số. Đúng 14 giờ 46 (giờ Tokyo, tức 12 giờ 56 - giờ Việt Nam) ngày 11-3, thời điểm xảy ra trận động đất, người dân đã cúi đầu tưởng nhớ tới những nạn nhân. Những hồi chuông vang ngân. Tại thủ đô Tokyo, tàu điện ngầm cũng dừng lại. Thủ tướng Shinzo Abe và Nhật hoàng Akihito cùng tham dự buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trọng thể ở Tokyo.

Tại lễ tưởng niệm, Nhật hoàng Akihito nói: “Rất nhiều người chịu ảnh hưởng trong thảm họa là người lớn tuổi. Tôi sợ rằng, một số người trong đó đã phải chịu đựng một mình ở những nơi mà chúng ta không thể trông thấy và không thể dành sự quan tâm được”.

Thảm họa rò rỉ chất phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân trên một khu vực rộng lớn đã buộc hơn 160.000 người dân phải sơ tán. 5 năm đã trôi qua, hầu hết họ vẫn chưa thể trở về nhà do tình trạng ô nhiễm phóng xạ vẫn rất đáng ngại.

Trận động đất 9 độ Richter ngày 11-3-2011 là một trong những trận động đất mạnh kỷ lục được ghi nhận. Nhưng chính thảm họa sóng thần do động đất gây ra mới là nguyên nhân cướp đi nhiều nhất sinh mạng của người dân Nhật Bản. Cả một bức tường nước khổng lồ đã quét qua các khu vực ven biển của vùng Tohoku, san phẳng toàn bộ nhiều làng mạc và thị trấn.

Trước lễ tưởng niệm 11-3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại quan điểm của chính phủ với vấn đề điện hạt nhân. Ông Abe nói rằng, về lâu dài, Nhật Bản “không thể làm được gì nếu không có điện hạt nhân”.

Sau thảm họa ở Fukushima, tất cả các nhà máy điện hạt nhân đều đã được lệnh đóng cửa, buộc nước Nhật phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu đắt đỏ.

Từ đó đến nay, mới chỉ một vài nhà máy hoạt động trở lại, bất chấp sự phản đối của người dân. Họ cho rằng, chính phủ vẫn chưa phòng ngừa đầy đủ để một thảm họa tương tự sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Chính phủ Nhật Bản cũng đã đầu tư nhiều tỷ USD cho công tác tái thiết nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và ở nhiều nơi có thể người dân sẽ chẳng bao giờ trở lại được nữa.

Bộ trưởng phụ trách công cuộc tái thiết của Nhật Bản, Takagi Tsuyoshi, cam kết với người dân rằng, công cuộc này sẽ được hoàn tất. Dù vậy, với nhiều người sống sót sau thảm họa, những tổn thương về cảm xúc mới là điều bận tâm chính của họ.

Anh Eiki Kumagai, một lính cứu hỏa tình nguyện nói: “Các cơ sở hạ tầng đang dần khôi phục nhưng những tâm hồn thì không. Tôi nghĩ thời gian sẽ chữa lành mọi thứ”.

Anh Eiki Kumagai sống ở vùng Rikuzentakata, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa. Anh đã mất 51 đồng nghiệp trong thảm họa sóng thần. Anh nói: “Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt của những người đã mất. Quá đỗi thương tiếc, tôi không biết nói sao cho hết”.

Sau 5 năm, một bức tường chắn sóng đang được xây dựng ở vùng Rikuzentakata để bảo vệ thị trấn khỏi những con sóng lớn trong tương lai. Đến nay, Nhật Bản đã đi được 1/2 chặng đường trong kế hoạch 10 năm tái thiết được chính phủ đưa ra vào năm 2011.

Sau 5 năm, thảm họa kép ở Nhật còn “lan rộng” tới đâu?

- 180.000 người vẫn chưa được về nhà, trong đó có 100.000 người đã phải sơ tán khỏi tỉnh Fukushima.

- Gần 800.000 tấn nước nhiễm phóng xạ được chứa trong hơn 1.000 bồn nước tại nhà máy ở Fukushima. Vẫn chưa có những kế hoạch chắc chắn nào về việc loại bỏ lượng nước này.

- Cuối tháng 3 này sẽ kết thúc khung thời gian do chính phủ Nhật Bản xác lập của công cuộc tập trung tái thiết sau thảm họa.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.