Quốc tế

Châu Âu lúng túng trước ngày trả người tị nạn

07:58, 04/04/2016 (GMT+7)

Gần 24 tiếng trước thời điểm Hy Lạp bắt đầu trả về Thổ Nhĩ Kỳ những người nhập cư không hợp lệ, tại đảo Lesbos - nơi hàng trăm ngàn người tới châu Âu đã qua đây năm ngoái, người ta vẫn thấy rất ít dấu hiệu của sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác này.

Người tị nạn ở biên giới Hungary và Serbia.  Ảnh: CBS
Người tị nạn ở biên giới Hungary và Serbia. Ảnh: CBS

Theo Reuters, kể từ ngày 20-3, hơn 5.600 người nhập cư đã đăng ký thông tin với cơ quan chức năng tại các đảo Hy Lạp. Đây cũng là thời điểm được chọn làm mốc có hiệu lực của thỏa thuận trả lại người nhập cư. Công tác trả người nhập cư sẽ bắt đầu từ thứ hai, 4-4, tuy nhiên họ sẽ được đưa đi từ đâu và bao nhiêu người sẽ bị trả về hiện vẫn chưa rõ.

Phát ngôn viên của chính phủ Hy Lạp, ông Giorgos Kyritsis, cho biết: “Các kế hoạch thực hiện vẫn đang được tiến hành”. Ông cũng nói thêm mọi việc vẫn chưa thực rõ ràng: “Chúng tôi sẽ xem việc này có thực hiện được hay không. Nhưng chúng tôi tin là nó sẽ ổn”.

Việc trả lại người nhập cư là phần nội dung chính trong thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chặn đứng làn sóng người nhập cư và tị nạn từ Trung Đông, châu Á và châu Phi vào châu Âu. Theo thỏa thuận này, những người nhập cư trái phép vào Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 20-3 sẽ bị trả lại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đơn xin tị nạn của họ đã được xử lý.

Hãng thông tấn Athens những ngày cuối tuần qua cho biết, việc trả về người nhập cư sẽ bắt đầu vào sáng thứ hai, 4-4, trên hai con tàu chở khách của Thổ Nhĩ Kỳ do Cơ quan Bảo vệ biên giới EU Frontex thuê. Các tàu này sẽ nhổ neo từ đảo Lesbos đi tới thị trấn ven biển Dikili của Thổ Nhĩ Kỳ với khoảng 250 người sẽ bị trả về mỗi ngày, cho tới hết thứ tư, 6-4. Tuy nhiên hãng này không trích nguồn tin cung cấp.

Giới quan chức Hy Lạp không khẳng định cũng không phủ nhận thông tin do hãng thông tấn Athens công bố. Một phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát trên đảo Lesbos cho biết, lực lượng này vẫn đang chờ hướng dẫn thực hiện. Liên minh châu Âu có kế hoạch điều hàng trăm cảnh sát và các quan chức phụ trách vấn đề nhập cư tới Hy Lạp cuối tuần qua để hỗ trợ thực hiện những đợt trả về di dân đầu tiên.

Ngày 1-4, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một dự luật sửa đổi liên quan tới cơ chế tị nạn cần thiết để thực thi thỏa thuận trả về người nhập cư. Luật này không nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ là “một quốc gia thứ ba an toàn”, một công thức để hợp pháp hóa việc trả về số lượng lớn lượng người di cư.

Báo Telegraph cho rằng, ngay cả với động thái này thì cũng chưa rõ thỏa thuận trả về Thổ Nhĩ Kỳ những người nhập cư trái phép từ Hy Lạp có khả thi không. Hy Lạp vẫn đang thiếu lượng nhân viên để xử lý nhanh hàng ngàn đơn xin cư trú tị nạn.

Trong khi đó, theo kế hoạch trả về từ 4-4, chỉ những người không nộp đơn đăng ký tị nạn ở Hy Lạp mới bị trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số 2.500 di dân có đăng ký thông tin với cơ quan chức năng ở trại Moria, có 1.950 người đã nộp đơn xin xét cấp cơ chế tị nạn. Ngay cả khi việc trả về người nhập cư trái phép được tiến hành theo đúng kế hoạch, Hy Lạp vẫn sẽ phải cung cấp chỗ ở cho khoảng 50.000 người tị nạn và nhập cư còn kẹt lại trên nước họ.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn và các tổ chức nhân quyền đã lên án thỏa thuận của EU và Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nó thiếu những đảm bảo về mặt luật pháp. Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) gọi đó là “một tổn hại lịch sử đối với vấn đề nhân quyền”.

Tổ chức này cho biết ngày thứ hai, 4-4, họ sẽ cử đoàn đại biểu tới đảo Lesbos và đảo Chios gần đó để giám sát tình hình. Trong thông cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế viết: “Việc trả về người nhập cư là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và luật pháp EU, là sự giễu cợt đối với Công ước quốc tế về người tị nạn”.

Trần Đắc Luân

.