Đà Nẵng cuối tuần

Trung Quốc "đột kích" rừng châu Phi

13:04, 03/04/2016 (GMT+7)

Trung Quốc đã và đang khai thác khoáng sản, dầu mỏ ở châu Phi một cách “tích cực”. Nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới chưa dừng lại cuộc tìm kiếm nguyên liệu thô ở lục địa đen, mà “đột kích” cả những cánh rừng ở đây. 75% gỗ khai thác ở rừng châu Phi chưa qua chế biến và là sản lượng nguyên liệu thô lớn thứ ba xuất sang Trung Quốc.

Khai thác gỗ để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Khai thác gỗ để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tổ chức phi chính phủ Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho biết, rất nhiều rừng ở châu Phi bị khai thác một cách bất hợp pháp. Gỗ được xuất sang Trung Quốc trước khi chế biến để xuất sang thị trường châu Âu. Cameroon, Gabon, Cộng hòa Congo và Mozambique là những nước đứng đầu bảng khai thác gỗ xuất sang Trung Quốc. Greenpeace đặc biệt chú ý tới hơn 250 triệu ha rừng ở Congo, bởi đó là nơi 75 triệu người sinh sống, ngoài ra còn là môi trường sống của những loại động vật quý hiếm.

Greenpeace điều tra chuỗi hoạt động từ những cánh rừng ở Cameroon tới cảng Zhangjiagang nằm ở phía đông Trung Quốc. Có xấp xỉ 300 công ty chuyên nhập khẩu gỗ châu Phi nhưng trong đó khoảng 30 công ty lớn chiếm tới 80% lượng gỗ nhập khẩu.

Những công ty lớn này chủ yếu đóng tại Quảng Đông, Chiết Giang, Thượng Hải và Giang Tô. Gần sông Dương Tử, ngành công nghiệp gỗ phát triển mạnh. Ước tính doanh thu của ngành công nghiệp gỗ ở đây khoảng 6 tỷ USD.

Nhiều loại gỗ quý cũng đã bị khai thác vô tội vạ. Đáng nói nhất là gỗ hồng ở Madagascar. Đây là loại gỗ quý và chỉ để làm đồ gia dụng cho tầng lớp thượng lưu. Ở Congo có khoảng 10.000 loại cây rừng nhiệt đới thì 1/3 trong số đó là loại đặc hữu (chỉ có ở vùng này) cũng bị khai thác.

Đã có 9 triệu ha rừng biến mất từ năm 2000 tới năm 2013, dẫn tới nguy cơ xảy ra thảm họa đa dạng sinh học. Năm 2015, 26 người bị bắt, trong đó có 5 người Trung Quốc, khi đang khai thác gỗ quý Kevazingo ở gần Makokou, phía đông bắc Gabon. Gabon hằng năm xuất khẩu khoảng 18.000m3 gỗ quý này để làm đồ gia dụng, sàn nhà, nhạc cụ…

Nhu cầu sử dụng loại gỗ Kevazingo tăng mạnh trong những năm gần đây khiến cho giá một m3 dao động từ 1.500 tới 3.000 euro. Greenpeace nhận định nhiều nước quá phụ thuộc vào Trung Quốc nên chấp nhận những điều kiện xuất nhập khẩu khó khăn. Mozambique phải xuất khẩu 90% sản lượng gỗ khai thác sang Trung Quốc mà một nửa trong số đó là bất hợp pháp.

Điều đáng suy nghĩ là trong lúc Liên minh châu Âu và Mỹ tăng cường yêu cầu pháp lý về nhập khẩu gỗ từ châu Phi thì Trung Quốc lại làm ngơ. Cách đây hai năm, Viện môi trường và phát triển quốc tế (IIED) xây dựng một đài quan sát nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng tràn lan.

IIED có mục tiêu muốn Trung Quốc cùng với các nước châu Phi thông qua bộ quy tắc ứng xử về xuất khẩu gỗ từ châu Phi sang Trung Quốc. Với những quốc gia ở châu Phi, họ cần thận trọng hơn với việc xuất khẩu gỗ ào ạt sang Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống mà có thể nền kinh tế bị lệ thuộc.

ANH THƯ (Theo LeMonde)

.