Quốc tế

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington

Mỹ, Nhật, Hàn cam kết hợp tác về vấn đề Triều Tiên

08:20, 02/04/2016 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân diễn ra tại Washington, Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc họp bên lề với hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để thống nhất gia tăng áp lực trừng phạt Cộng hòa DCND Triều Tiên.

Tổng thống Obama tiếp các quan khách tại Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington                        Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama tiếp các quan khách tại Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp ngày thứ năm, 31-3 (giờ Mỹ), Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định những cam kết hợp tác ba bên về công tác an ninh - quốc phòng, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng thêm các bước khác để chống lại những đe dọa tấn công của Bình Nhưỡng.

Ông Obama cũng đã tổ chức cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đồng minh thân thiết nhất của Cộng hòa DCND Triều Tiên. Ông cho biết cả hai bên đều mong muốn thấy rằng các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng mới nhất của LHQ sẽ được “thực thi toàn diện”. Tuy nhiên ông Tập không bày tỏ tín hiệu nào cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị để đi xa hơn việc nước này đồng thuận với các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) áp dụng từ đầu tháng 3.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm ba bên Mỹ - Nhật - Hàn, Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi đã thống nhất trong các cách thức nhằm ngăn chặn và phòng vệ trước các động thái khiêu khích của Cộng hòa DCND Triều Tiên. Chúng tôi phải hợp tác với nhau để giải quyết thách thức này”.

Mối quan hệ giữa bà Park và ông Abe từng khá lạnh lẽo trong quá khứ, tuy nhiên trong những tháng gần đây, quan hệ giữa hai bên có vẻ như đã ấm dần do cùng chia sẻ những quan ngại về Cộng hòa DCND Triều Tiên khi nước này tiến hành vụ thử bom hạt nhân lần thứ tư ngày 6-1 và phóng tên lửa tầm xa vào tháng 2. Cùng với đó, Mỹ cũng đã cố gắng thúc đẩy quan hệ ấm dần giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - hai quốc gia đồng minh lớn nhất của Mỹ tại châu Á. Một phần vì lo ngại Cộng hòa DCND Triều Tiên, nhưng còn một nguyên nhân khác là sự trỗi dậy ngang ngược của Trung Quốc.

Các lệnh trừng phạt mở rộng của LHQ nhằm triệt bỏ nguồn ngân sách của Cộng hòa DCND Triều Tiên đầu tư cho các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua với số phiếu thuận tuyệt đối căn cứ theo nghị quyết do Mỹ và Trung Quốc soạn thảo. Mặc dù Trung Quốc đã đồng thuận trong việc trừng phạt Cộng hòa DCND Triều Tiên, tuy nhiên phương Tây vẫn ngờ vực về mức độ mạnh tay của Trung Quốc với Bình Nhưỡng nếu căn cứ vào thực tế Trung Quốc luôn lo ngại về tình trạng bất ổn ở các vùng biên giới nước họ.

Xuất hiện sau đó cùng ông Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, mặc dù Washington và Bắc Kinh vẫn bất đồng ở một số lĩnh vực, tuy nhiên về vấn đề Cộng hòa DCND Triều Tiên, họ đã có “những trao đổi và điều phối hiệu quả”. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn lặp lại quan điểm cho rằng, các lệnh trừng phạt không phải là giải pháp và chỉ có thể giải quyết những xung đột thông qua việc nối lại những vòng đàm phán quốc tế.

Các vòng đàm phán sáu bên giữa liên Triều, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga nhằm mục tiêu giảm bớt những tham vọng hạt nhân của Cộng hòa DCND Triều Tiên đã thất bại năm 2008. Ông Tập kêu gọi tiến hành đàm phán để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên cũng nói các bên nên tránh làm những việc có thể gây gia tăng căng thẳng. Đề cập việc Mỹ muốn đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc, ông Tập cũng “nhắc khéo” rằng các bên cũng không nên làm gì có thể ảnh hưởng tới lợi ích an ninh của các nước khác và gây bất ổn thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Các cuộc họp ngày 31-3 diễn ra trong bối cảnh giới lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia cùng góp mặt trong một hội nghị thượng đỉnh hai ngày do Tổng thống Obama chủ trì, tập trung bàn về các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Cộng hòa DCND Triều Tiên trở thành vấn đề nóng trong chương trình nghị sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vắng mặt tại hội nghị lần này. Sự thiếu vắng này khiến giới quan sát nghi ngờ việc hội nghị có thể thu được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên bất chấp điều đó, tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc đưa ra cho thấy, mặc dù là đối thủ về thương mại và còn những bất đồng về Biển Đông, nhưng hai nước tỏ ra đồng thuận trong việc hợp tác với nhau để điều tra và ngăn ngừa tình trạng phát triển hạt nhân trái phép và sẽ tổ chức hội nghị thường niên về vấn đề này.

Đỗ Dương

.