Quốc tế

Nga điều tên lửa Iskander-M tới Syria

08:22, 01/04/2016 (GMT+7)

Trang tin tức quân sự Debka ngày 30-3 cho biết Nga đã điều động hệ thống tên lửa chiến thuật tân tiến nhất của nước này, Iskander-M, tới Syria trong vài ngày qua.

Hệ thống tên lửa Iskander-M của Nga. 		   Ảnh: Russianmilitaryphotosa
Hệ thống tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: Russianmilitaryphotosa

Trang tin dẫn nguồn từ các thông tin quân sự và tình báo độc quyền cho biết, hệ thống tên lửa Iskander của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và chưa từng được điều động cho các lực lượng quân đội nước ngoài sử dụng. Các tên lửa này có tầm bay khoảng 500km.

Việc Nga điều động hệ thống tên lửa này tới Syria giữa bối cảnh cuộc nội chiến 5 năm ở quốc gia này vẫn chưa kết thúc là một yếu tố được cho sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường nếu nhìn về phương diện cân bằng lực lượng tại Trung Đông. Tầm bắn của tên lửa Iskander từ căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở phía tây Syria, sẽ bao trùm toàn bộ lãnh thổ Israel, kéo tới tận thị trấn miền nam Beersheba, chạm tới vùng ngoại ô thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ và vùng phía đông cùng miền trung khu vực Địa Trung Hải, trong đó có Cộng hòa Síp.

Trang Debka nhận định, với động thái điều tên lửa Iskander tới Syria, rõ ràng việc Nga quyết định rút bớt lực lượng quân đội của họ ra khỏi nước này chỉ là một phần của bức tranh: Các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đang được rút ra, nhưng cũng nhanh tương tự với tốc độ rút ra đó là sự trở lại của các hệ thống tên lửa tối tân trong kho vũ khí của Nga.

Ngày 15-3, Matxccơva tuyên bố hệ thống tên lửa đất đối không S-400 sẽ ở lại Syria sau lệnh rút quân. Mười ngày sau đó, ngày 25-3, hệ thống tên lửa Iskander-M đã có mặt. Iskander-M được đánh giá là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn số một thế giới hiện nay. Với sự phối hợp các hệ thống tên lửa này, các nguồn tin quân sự của Debka cho rằng, căn cứ Hmeimim đã trở thành nơi tập trung những tên lửa tiên tiến nhất ở khu vực Trung Đông.

Bộ phận phóng tên lửa di động của Iskander-M có thể chứa hai quả tên lửa. Chỉ cần vài phút để chuẩn bị cho việc phóng và hai tên lửa có thể phóng độc lập. Trong quá trình chiến đấu, nhóm điều khiển hệ thống tên lửa có thể điều chỉnh lại mục tiêu nhắm đến, chỉnh sửa nếu cần thiết để có thể nhằm vào những mục tiêu đang di chuyển của kẻ địch. Một tính năng đặc biệt khác nữa của tên lửa Iskander-M là khả năng kiểm soát đầu đạn của nó bằng một sóng radio được mã hóa mà ngay cả các máy bay không người lái (UAV) và máy bay cảnh báo sớm (AWACS) cũng không thể đánh chặn. Chính vì thế mà tên lửa có thể lao thẳng tới mục tiêu mà không thể bị bắn hạ.

Trong diễn biến liên quan, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ngày 31-3 tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công liều chết làm một cảnh sát thiệt mạng tại vùng Dagestan, Nga. Theo AFP, thông báo của IS tung lên mạng cho biết một phiến quân “đã kích nổ đai bom trên người tại chốt kiểm soát của lực lượng cảnh sát Dagestan... làm chết và bị thương nhiều người ở đó”.

Tuy nhiên, nguồn tin từ cảnh sát địa phương lại nói vụ tấn công ngày 30-3 hoặc do một vụ nổ bom xe xảy ra tại chốt kiểm soát hoặc có kẻ đã quẳng một vật liệu nổ vào xe cảnh sát. Lực lượng này cho biết đã có một cảnh sát thiệt mạng và một người khác bị thương.

Vụ tấn công xảy ra sau khi quân đội Syria với sự yểm trợ của lực lượng quân đội Nga đã giành được chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống IS, giành lại quyền kiểm soát thành cổ Palmyra. Các vụ tấn công nhằm vào cảnh sát không phổ biến ở khu vực Bắc Caucasus.

Khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng nổi dậy âm ỉ của nhóm Hồi giáo cực đoan. Lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở Dagestan, khu vực nằm ngay phía đông Chechnya, đã gia nhập IS. Năm ngoái IS tuyên bố đã thành lập một chi nhánh của chúng tại Bắc Caucasus.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.