Quốc tế
Mỹ phản đối Trung Quốc đưa máy bay ra đá Chữ Thập
Quân đội Mỹ ngày 18-4 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên đưa máy bay quân sự đáp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (trái) nói chuyện với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin tại Manila. Ảnh: Reuters |
Trong thông báo gửi tới hãng CNN ngày 18-4, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói: “Chúng tôi đã biết việc một máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi đó là hoạt động nhân đạo nhằm cấp cứu 3 công nhân bị ốm. Hiện chưa rõ vì sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự mà không phải máy bay dân sự”.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc “giữ lời”
Thời gian qua, cùng với phản ứng của Philippines, Mỹ liên tiếp bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Tại đá Chữ Thập, một trong những điểm Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép, Bắc Kinh đã xây dựng một đường băng đủ dài để máy bay quân sự cỡ lớn của nước này có thể hoạt động.
Ông Jeff Davis nói: “Chúng tôi kêu gọi phía Trung Quốc khẳng định lại việc họ không có kế hoạch điều động hay luân phiên đưa máy bay quân sự đến các tiền đồn mà họ dựng lên ở quần đảo Trường Sa và duy trì những cam kết trước đó”.
Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải” trong các khu vực gần sát những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Trong chuyến công cán đến Philippines tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đến thăm tàu sân bay USS John C.Stennis khi tàu này đang thực hiện một trong những hoạt động tự do hàng hải như vậy tại Biển Đông.
Thêm một động thái phản ứng mới nhất của Mỹ với Trung Quốc là việc cường quốc này công bố các kế hoạch mới điều động một hạm đội tàu lặn không người lái hoạt động ở Biển Đông. Bộ trưởng Ash Carter cho biết, Lầu Năm Góc “đang hoàn thiện các tàu lặn không người lái mới với nhiều kích cỡ và trọng tải khác nhau, quan trọng là chúng có thể vận hành ở vùng nước nông, nơi mà các tàu ngầm chịu thua”.
Lầu Năm Góc dự kiến đầu tư khoảng 8 tỷ USD ngân sách trong năm tới cho các dự án về tàu ngầm, bao gồm loại có người lái và không người lái, nhưng sẽ ưu tiên các loại tàu lặn không người lái có vũ trang.
Cùng với phản ứng của Mỹ, ngày 18-4, một quan chức Anh phụ trách khu vực Đông Á nêu quan điểm: Cả Trung Quốc lẫn Phillippines cần tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế tại The Hague (Hà Lan) xung quanh việc Philippines khiếu nại Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Theo Reuters, ông Hugo Swire, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Đông Á cho rằng, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế The Hague là cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đàm phán về những tranh cãi chủ quyền lãnh hải. Phán quyết này dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Ông Swire nói rằng, mặc dù quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đã ấm lên trong thời gian qua, Anh cũng mong muốn thu hút sự đầu tư từ Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa London sẽ làm ngơ trước các vấn đề nhân quyền cũng như những tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông.
“Chúng tôi nói rất rõ với phía Trung Quốc rằng, chúng ta chỉ có thể đạt được những thỏa thuận này theo cách cởi mở và minh bạch, tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế”, ông Swire phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington.
“Mắt thần” cho Philippines
Trong một diễn biến liên quan ở Biển Đông, Mỹ sẽ chuyển giao cho Philippines một khí cầu giám sát giúp nước này theo dõi hoạt động hàng hải và bảo vệ biên giới trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông. Theo đó, ông Philip Goldberg, Đại sứ Mỹ tại Philippines cho biết, Washington sẽ hỗ trợ Manila, quốc gia đồng minh an ninh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, thiết bị liên lạc, radar và các cảm ứng trị giá 42 triệu USD. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm trong việc lắp đặt thiết bị cảm ứng lên các tàu và vận hành một khí cầu giám sát trên không trung để theo dõi hoạt động hàng hải”, ông Goldberg nói.
Theo một quan chức quân sự Philippines, khí cầu giám sát sẽ thu thập thông tin và phát hiện các động thái khác diễn ra trên Biển Đông. Tuần qua, tại Philippines, Bộ trưởng Ash Carter đã tái khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo vệ Manila theo Hiệp ước an ninh năm 1951.
Chuyến công du của ông Carter tới Philippines cũng cho thấy những tín hiệu Mỹ bắt đầu điều động quân đội ở Philippines, cụ thể là 75 binh sĩ sẽ được luân phiên điều tới một căn cứ không quân của Manila.
Ông Goldberg cho biết, hai quốc gia đồng minh cũng đã đồng ý thiết lập một hệ thống liên lạc bí mật và an toàn. Đây là một phần trong sáng kiến an ninh kéo dài 5 năm trị giá 425 triệu USD của Washington tại Đông Nam Á.
Năm nay, Manila nhận khoảng 120 triệu USD hỗ trợ quân sự của Mỹ, mức hỗ trợ cao nhất kể từ năm 2000 khi quân đội Mỹ trở lại Philippines để huấn luyện và tập trận sau 8 năm gián đoạn.
Năm 2013, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận mới cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trên cơ sở điều động binh sĩ luân phiên và lưu trữ hậu cần cùng trang thiết bị cho các hoạt động nhân đạo, an ninh hàng hải.
TRẦN ĐẮC LUÂN