.

Chiến dịch chống IS chưa đến hồi kết

.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho rằng, cái chết của một lính đặc nhiệm SEAL tại miền Bắc Iraq cho thấy, dù có những thắng lợi trong việc chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở quốc gia Trung Đông này nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.

Binh sĩ Mỹ và Anh tại căn cứ Basmaya, phía đông nam thủ đô Baghdad của Iraq. 		                 Ảnh: AFP
Binh sĩ Mỹ và Anh tại căn cứ Basmaya, phía đông nam thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: AFP

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter được đưa ra khi bắt đầu phiên họp kín vào ngày 4-5 ở Stuttgart (Đức) với những người đồng cấp đến từ 11 nước tham gia chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria. Ông Carter bàn thảo với những người đồng cấp về “những gì mà chúng ta có thể làm hơn nữa” để thúc đẩy chiến dịch quân sự ở cả Iraq lẫn Syria. Đây là cuộc họp mới nhất trong hàng loạt lần nhóm họp giữa Mỹ với các đối tác để bàn về chiến lược tăng cường hỗ trợ Iraq nhằm giành lại Mosul, thành trì của IS ở miền Bắc Iraq.

Hãng AP dẫn lời Bộ trưởng Carter nói: “Cuộc chiến này (chống IS) còn lâu mới kết thúc”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc mong muốn liên minh do Mỹ dẫn đầu tìm thêm những cơ hội. Thậm chí, ông còn bày tỏ tin tưởng rằng, chiến dịch rồi sẽ thành công. “Với sự hỗ trợ của các ngài, chiến dịch sẽ nhanh hơn”, ông Carter nói với 11 người đồng cấp.

Thực tế, lực lượng Peshmerga - các chiến binh người Kurd đã giành một số thắng lợi trong cuộc chiến chống IS ở miền Bắc Iraq hơn so với lực lượng an ninh nước này. Mỹ đang huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Peshmerga cũng như lực lượng an ninh Iraq. Lầu Năm Góc gần đây đã cam kết viện trợ lên đến 415 triệu USD cho người Kurd.

Song, IS đã mở đợt tấn công chống trả dữ dội nhằm vào các căn cứ phòng thủ của lực lượng người Kurd, dẫn đến một thành viên lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ thiệt mạng gần thị trấn Tel Asqof, cách căn cứ ở Mosul của IS khoảng 28km. Gia đình quân nhân này xác nhận đó là Charlie Keating IV (31 tuổi). Đây cũng là thành viên thứ ba trong lực lượng đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng ở Iraq kể từ khi các binh sĩ Washington trở lại vùng đất này từ tháng 8-2014 nhằm giúp chính phủ Baghdad giành lại những khu vực đã bị IS chiếm giữ.  

Hãng AP cũng cho hay, ông Carter đang tích cực vận động các nước thành viên liên quân tham gia hơn nữa vào chiến dịch chống lực lượng thánh chiến. Ông cho rằng, việc để các phần tử cực đoan mở rộng tầm ảnh hưởng là mối đe dọa nghiêm trọng, mà cái chết mới nhất của một thành viên SEAL là một ví dụ. Lực lượng SEAL được xem là quân tinh nhuệ nhất và có năng lực tác chiến đặc biệt trong những sứ mệnh phức tạp, nguy hiểm.

Trong khi đó, theo AFP, cái chết của Charlie Keating IV làm gia tăng rủi ro cho binh sĩ Mỹ tại Iraq và Syria khi họ phải đối mặt với các chiến binh thánh chiến. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống IS ở Iraq, Mỹ và liên minh đã tiến hành hơn 12.000 cuộc không kích và Lầu Năm Góc hiện triển khai khoảng 5.000 binh sĩ ở nước này.

Cũng theo AFP, những thương vong tại Iraq vẫn ít so với các cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan, bắt đầu từ năm 2001 và ở Iraq, bắt đầu từ năm 2003, với hơn 5.300 binh sĩ Mỹ chết trong các cuộc giao tranh. Tổng thống Barack Obama đang đối mặt với phản ứng gay gắt ở trong nước về việc đưa binh sĩ Mỹ tham chiến ở các nước Trung Đông.

Những người chỉ trích cho rằng, ông Obama không trung thực khi triển khai binh sĩ Mỹ đến Iraq và Syria mà không mô tả vai trò của họ gắn với sứ mệnh chiến đấu. Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng khẳng định: “Lực lượng bộ binh ở Iraq không có sứ mệnh chiến đấu nhưng họ có sứ mệnh nguy hiểm khi hoạt động ở một đất nước nguy hiểm”.  

Điều đáng nói là trong lúc này, Iraq rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, cụ thể là cuộc đấu đá chính trị, tham nhũng, khủng hoảng tài chính, chính phủ do người Hồi giáo Shiite dẫn đầu đang nỗ lực hòa giải với người thiểu số Sunni… Chính điều này đang phủ bóng đen lên triển vọng giành thêm nhiều thắng lợi trong cuộc chiến chống IS.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.