Quốc tế
NATO và Nga vẫn "khẩu chiến"
Hội đồng Nghị viện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thúc giục các thành viên liên minh chia sẻ gánh nặng phòng thủ tập thể, trong lúc giữa NATO và Nga vẫn “khẩu chiến” xung quanh lá chắn tên lửa ở châu Âu.
Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu của NATO, ông Michael R. Turner, thúc giục các thành viên liên minh chia sẻ gánh nặng phòng thủ tập thể. Ảnh: AP |
Hãng AP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu của NATO, nghị sĩ Mỹ Michael R. Turner, cho biết ông đang cùng các đối tác châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với Nga. Ông Turner tỏ ra không hài lòng về những phản ứng của Nga đối với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania và Ba Lan.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow nói rằng, tổ chức liên minh quân sự này vẫn duy trì đối thoại với Nga “nhưng không thể trở lại bình thường”. Theo ông Vershbow, các thành viên NATO sẽ tăng cường khả năng liên minh phòng thủ và ủng hộ những đồng minh khác ở biên giới với Nga khi khối này nhóm họp thượng đỉnh ở Warsaw vào ngày 8-7 tới. Ông Vershbow cũng thúc giục các thành viên NATO thực hiện cam kết tăng chi tiêu quốc phòng ít nhất 2% sản lượng kinh tế quốc gia trong thập niên đến.
Những tuyên bố nói trên của NATO được đưa ra trong lúc khoảng 250 nghị sĩ từ 28 nước thành viên của khối cùng các đối tác nhóm họp 3 ngày tại thủ đô Tirana của Albania. Họ bàn thảo về chính sách của NATO trong việc chống chủ nghĩa khủng bố, tình trạng di cư bất hợp pháp trên quy mô lớn, cuộc khủng hoảng Ukraine và an ninh ở các nước Tây Balkan. Điều đáng nói là những tuyên bố của NATO được cho là càng làm gia tăng căng thẳng với Nga khi cả hai bên “khẩu chiến” về lá chắn tên lửa ở châu Âu.
Việc Mỹ kích hoạt hệ thống tên lửa US Aegis Ashore hồi đầu tháng này tại căn cứ hỗ trợ hải quân Mỹ ở Romania với giải thích nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Iran đã không thuyết phục được Nga. Mátxcơva cho rằng, lá chắn tên lửa rõ ràng nhằm vào nước này, chứ không phải nhằm chống mối đe dọa từ Tehran.
Trong khi đó, theo tạp chí National Interest (NI) số ra ngày 30-5, Bộ Quốc phòng Mỹ dự định dùng các tên lửa SM-3IIA để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương và tên lửa mới này là thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa có thể được triển khai tại Ba Lan và Romania trong năm 2018. SM-3IIA được đặt trên đất liền và trên biển, có khả năng phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung bên ngoài khí quyển.
Tại hội nghị vào ngày 8-7 tới ở Warsaw, NATO dự kiến sẽ ra cam kết tăng cường hiện diện quân sự thường trực tại khu vực Đông Âu như một biện pháp để đối phó với Nga. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu của NATO, nghị sĩ Mỹ Michael R. Turner, cũng kêu gọi các thành viên liên minh tham gia hội nghị này sẽ thống nhất chia sẻ gánh nặng phòng thủ tập thể.
Trong một động thái được cho là đột phá, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker dự kiến thăm Nga vào tháng 6 tới. Nữ phát ngôn của EC đã xác nhận thông tin này. “Chủ tịch Juncker được mời và dự kiến tham gia Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg vào ngày 16-6”, nữ phát ngôn này nói.
Tuy nhiên, theo Reuters, chuyến thăm Nga của ông Juncker có thể làm dấy lên tranh cãi về mối quan hệ đáng lo ngại của Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Còn Điện Kremlin cho rằng, chuyến thăm này chưa chắc mang lại bước đột phá cho mối quan hệ đang căng thẳng giữa châu Âu và Nga, nhưng Mátxcơva luôn sẵn sàng đối thoại. Cũng như Mỹ, EU hiện “đóng băng” quan hệ với Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt Mátxcơva sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
PHÚC NGUYÊN