Quốc tế

Triều Tiên gia tăng khả năng hạt nhân

08:07, 10/05/2016 (GMT+7)

Tại Đại hội lần thứ 7 đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng khẳng định nước này sẽ tăng cường vũ khí hạt nhân phòng vệ, bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Ông Kim Jong-un hiện nắm giữ các chức vụ về mặt đảng, nhà nước và quân đội CHDCND Triều Tiên. 				Ảnh: AFP/Getty Images
Ông Kim Jong-un hiện nắm giữ các chức vụ về mặt đảng, nhà nước và quân đội CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, ngày 9-5, Đại hội đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua việc tiếp tục tăng cường phát triển khả năng vũ khí hạt nhân phòng vệ cả về chất lẫn về lượng. Bình Nhưỡng đang chịu áp lực từ quốc tế xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, trong đó phải chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc (LHQ) được phê chuẩn trong tháng 3 vừa qua.

Đại hội lần này cũng “chính thức hóa” vị trí “nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm” của CHDCND Triều Tiên; đồng thời cam kết sẽ chỉ dùng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền nước này bị xâm phạm và sẽ hành động vì việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới… Kể từ khi chịu các biện pháp trừng phạt mới nhất của LHQ, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển hạt nhân và tên lửa.

Song, theo Reuters, Hàn Quốc chỉ trích tuyên bố của CHDCND Triều Tiên trong việc Bình Nhưỡng là nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Seoul nói rằng sẽ tiếp tục gia tăng áp lực với nước láng giềng phía Bắc bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ cho đến khi quốc gia này chịu từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Phát biểu với báo giới ở Seoul, người phát ngôn Moon Sang-gyun của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh: “Lập trường trước sau như một của chúng tôi và của cộng đồng thế giới là chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận CHDCND Triều Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ các tham vọng hạt nhân thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và sức ép”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng bác bỏ đề nghị của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un về việc tổ chức các cuộc hội đàm quân sự liên Triều. Seoul gọi đề nghị này là “không chân thành”, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các hành động mang tính khiêu khích và có những bước tiến hướng tới việc phi hạt nhân hóa nước này.

Theo Reuters, các chuyên gia phương Tây cho rằng, CHDCND Triều Tiên có khoảng 40kg plutonium, đủ để tạo ra từ 8-12 vũ khí hạt nhân. Hai miền hiện vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật kể từ cuộc xung đột năm 1950-1953 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, chứ không phải là một thỏa thuận hòa bình. CHDCND Triều Tiên thường đe dọa Hàn Quốc và Mỹ, đồng minh của Seoul.

Các quan chức Hàn Quốc theo dõi Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên cũng nói rằng, trong trường hợp các cuộc hội đàm quân sự được tiến hành, Bình Nhưỡng có thể lợi dụng việc này để ép Seoul ngừng các buổi phát thanh tuyên truyền qua hệ thống loa phóng thanh được bố trí dọc tuyến biên giới giữa hai bên và nêu vấn đề vẽ lại tuyến phân định ranh giới trên biển hiện nay.

Trong khi đó, Trung Quốc đánh giá thấp cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc không dùng các vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền quốc gia không bị đe dọa. Bắc Kinh cũng cho rằng, người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm cao độ theo đuổi vũ khí nguyên tử.

Ông Kim Jong-un làm Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên

Ngày 9-5, Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên đã bầu ông Kim Jong-un giữ chức Chủ tịch của đảng này. Trước đại hội lần này, chức danh của Kim Jong-un là Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên.

Tại Đại hội lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên đã ra nghị quyết nhằm nhất thể hóa việc suy tôn các thế hệ lãnh đạo nước này. Theo đó, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành là “Lãnh tụ vĩ đại,” cố Chủ tịch Kim Jong-il là “Lãnh tụ kiệt xuất” và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “Nhà lãnh đạo tối cao của Đảng, Nhà nước và quân đội Triều Tiên”.

Như vậy, ngoài chức vụ Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un hiện nắm giữ các chức vụ về mặt nhà nước và quân đội gồm: Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng (cơ quan quyền lực cao nhất theo Hiến pháp sửa đổi năm 2012 của Triều Tiên) và Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

.