Quốc tế
Đông Bắc Á lại "nóng" vì Triều Tiên thử tên lửa
Nhật Bản tuyên bố không thể tha thứ việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa. Hàn Quốc cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Trong khi đó, Trung Quốc - đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng - phản đối bất kỳ hành động nào làm căng thẳng leo thang và kêu gọi đối thoại.
Một buổi diễu hành quân sự của CHDCND Triều Tiên có sự tham gia của tên lửa Musudan. Ảnh: AFP |
Khu vực Đông Bắc Á lại “nóng” lên sau hai vụ thử tên lửa liên tiếp của CHDCND Triều Tiên vào sáng 22-6. Theo AFP, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa tầm trung được phóng trong cả hai vụ là Musudan, với tầm bắn tối đa ước tính 4.000 km, có thể vươn đến các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Vụ thử đầu tiên được thực hiện lúc 6 giờ và thất bại. Còn tên lửa thứ hai bay được khoảng 400 km nhưng quân đội Hàn Quốc chưa xác nhận có thành công hay không. CHDCND Triều Tiên từng thử tên lửa Musudan 4 lần trong năm nay nhưng tất cả đều phát nổ trên bệ phóng hoặc ngay sau khi rời bệ phóng.
Hãng AFP dẫn lời bà Melissa Hanham, chuyên gia về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của CHDCND Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California (Mỹ) nói rằng, các vụ phóng trong ngày 22-6 cho thấy một bước tiến đáng lo ngại. “Vụ thứ hai có lẽ thành công. Việc thử nghiệm đang được lặp đi lặp lại và họ (CHDCND Triều Tiên) đang rút ra những bài học từ mỗi vụ thử”, bà Hanham nói với AFP.
Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng, các vụ phóng mới nhất sẽ làm gia tăng những nỗ lực của toàn cầu trong việc chống lại chương trình vũ khí bất hợp pháp của CHDCND Triều Tiên. Trong một tuyên bố, ông Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi dự kiến gia tăng quan ngại tại Liên Hợp Quốc để củng cố quyết tâm của quốc tế trong việc đối phó với những hành động khiêu khích này”.
Trong khi đó, đài NHK của Nhật Bản dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố không thể tha thứ việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa. “Nếu đây là một vụ phóng tên lửa đạn đạo, rõ ràng là không thể tha thứ. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ trường hợp này và phối hợp với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc”, ông Abe nói. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama mô tả vụ phóng tên lửa đạn đạo là hành động vi phạm lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phát biểu với phóng viên ở Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh: “Mối đe dọa đối với Nhật Bản đang gia tăng”. Bộ Quốc phòng Nhật cũng nói rằng, tên lửa trong vụ phóng thứ hai đã bay 400 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Theo Kyoto, lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đã triển khai một khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot tại các cơ sở của Bộ Quốc phòng ở trung tâm Tokyo và sẵn sàng bắn hạ bất kỳ tên lửa nào hướng về phía nước này. Lực lượng phòng vệ trên biển cũng dự kiến triển khai tàu khu trục lớp Aegis tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản.
Về phía Hàn Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul, người phát ngôn Bộ Thống nhất Jeong Joon-hee gọi vụ phóng tên lửa là “hành động khiêu khích”. Một cuộc họp an ninh quốc gia ngay lập tức được triệu tập. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn; đồng thời nhận định việc liên tục thử tên lửa và hạt nhân cho thấy những đề nghị đàm phán trước đây của Bình Nhưỡng là “lừa dối và giả tạo”. Cơ quan này nhấn mạnh, chính phủ và quân đội Hàn Quốc hoàn toàn sẵn sàng trả đũa mạnh mẽ bất kỳ hành động khiêu khích nào đe dọa sự an toàn của người dân.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng lên án vụ phóng tên lửa và kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, không đe dọa hay tiến hành thêm bất kỳ vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo nào nữa, cũng như tránh có thêm những hành động khiêu khích.
Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của CHDCND Triều Tiên, khuyến cáo sẽ chống lại bất kỳ hành động làm căng thẳng leo thang, đồng thời kêu gọi nối lại đối thoại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hãng AP cho biết, cũng trong ngày 22-6, tại diễn đàn an ninh của 6 nước liên quan đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Mỹ cho rằng, không có kế hoạch đối thoại trực tiếp giữa đại diện đặc biệt của cường quốc này, ông Sung Kim, với bà Choe Son Hui - Vụ phó Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Bà Choe cũng cho biết, bà không có kế hoạch hội đàm song phương với các quan chức ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc. Cuộc họp này được cho là diễn đàn đa phương, đánh dấu lần gặp gỡ hiếm hoi của các nhà hoạch định chính sách cấp cao, các quan chức quốc phòng và quân sự cùng các nhà nghiên cứu của 6 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nga và Mỹ.
Các nước nói trên đã tham gia các cuộc đàm phán suốt nhiều năm về việc giải giáp chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Song, đàm phán bế tắc từ năm 2008. Theo các nhà phân tích, có rất ít triển vọng để nối lại đàm phán khi chính phủ của ông Kim Jong-un muốn CHDCND Triều Tiên là nước vũ khí hạt nhân, đồng thời làm gia tăng căng thẳng bằng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Mỹ và các đối tác muốn Bình Nhưỡng cam kết giải giáp hạt nhân trước khi nối lại đàm phán.
PHÚC NGUYÊN