Quốc tế

Tòa án quốc tế sẽ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về "đường chín đoạn"

08:51, 22/06/2016 (GMT+7)

Ngày 20-6, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington, D.C (Mỹ) tổ chức hội thảo về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh nhất về vụ kiện này. Hội thảo mang chủ đề “Phân xử Biển Đông: Dự đoán các bước đi và biện pháp đối phó tiếp theo” thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thuộc CSIS cùng đông đảo chuyên gia - học giả của Mỹ và các nước khác.

Các chuyên gia đã phân tích và dự báo về phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) đối với đơn kiện của Philippines nhằm vào tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo các chuyên gia CSIS, kịch bản dễ xảy ra nhất là PCA sẽ ra phán quyết bác bỏ “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) đầy phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án - một phản ứng rất nguy hiểm vì điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phủ nhận luật pháp quốc tế và từ chối giải quyết các tranh chấp hàng hải ở châu Á bằng biện pháp pháp lý. Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết sẽ ảnh hưởng tới quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng trong tương lai.

Trong khi đó, bà Amy Searight, cố vấn cấp cao chương trình Đông Nam Á của CSIS cho rằng, dù tòa án ra phán quyết như thế nào thì căng thẳng vẫn sẽ leo thang ở Biển Đông chứ không giúp “hạ nhiệt”. Theo bà Searight, Bắc Kinh đã có các bước chuẩn bị cho việc không tuân thủ phán quyết của tòa, như lôi kéo sự ủng hộ của một số quốc gia. Chuyên gia này nhận định: Mỹ cũng sẽ gia tăng áp lực nhằm buộc các bên phải tôn trọng phán quyết của PCA.

Các học giả CSIS dự đoán 5 kịch bản Trung Quốc có thể hành động ở Biển Đông sau phán quyết của PCA, trong đó có khởi động hoạt động bồi đắp đất đá trên bãi cạn Scarborough, phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và triển khai trái phép các máy bay tiêm kích đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong cuộc thăm dò ngay tại cuộc hội thảo, hơn 56% chuyên gia - học giả cho rằng, Trung Quốc sẽ phản ứng lại phán quyết của tòa và “trả đũa” Philippines bằng cách thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Theo ông Bower, nếu lập ADIZ, Trung Quốc sẽ lập tức đối mặt với sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Gregory Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc CSIS cho biết, Trung Quốc đã thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông hồi năm 2013, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ có hành động tương tự ở Biển Đông. Theo ông Poling, Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ để chứng tỏ nước này không chấp nhận phán quyết của tòa án, đồng thời để “dằn mặt” Philippines vì đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Trong khi đó, học giả Andrew Shearer, cố vấn cấp cao về an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc CSIS nhận định: Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng lại phán quyết của tòa án bằng cách tiến hành bồi đắp đất đá trên bãi cạn Scarborough nhằm phục vụ lợi ích lâu dài về quân sự tại Biển Đông.

Các chuyên gia đồng thời khẳng định phán quyết của tòa cũng sẽ là “phép thử” đối với cam kết của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ vẫn từ chối tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là một rào cản lớn làm giảm tiếng nói của nước này trong vấn đề Biển Đông. Ông Michael Green, Phó Giám đốc CSIS phụ trách các vấn đề châu Á và Nhật Bản, đánh giá chính sách của Mỹ tại Biển Đông trong 2 năm qua không hiệu quả.

Cuộc thảo luận của CSIS diễn ra trong lúc xuất hiện thông tin cho rằng PCA sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 7-7 tới. Philippines đệ đơn lên PCA vào ngày 22-1-2013, phản đối cách Trung Quốc giải thích và áp dụng UNCLOS năm 1982. PCA sẽ phán quyết cách giải thích của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phù hợp hay không phù hợp với UNCLOS.

TTXVN

.