Quốc tế

Trung Quốc sẽ chống phán quyết của tòa quốc tế

07:55, 16/06/2016 (GMT+7)

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia dự đoán sẽ có sự bế tắc ngoại giao nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế xung quanh việc Manila kiện Bắc Kinh có những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông.

Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc diễn ra ở thành phố Côn Minh ngày 14-6. 		     Ảnh: AP
Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc diễn ra ở thành phố Côn Minh ngày 14-6. Ảnh: AP

Hãng AP ngày 15-6 cho biết, bất chấp áp lực từ Mỹ và những nước khác, Trung Quốc dường như quyết tâm chống lại phán quyết mà Tòa án trọng tài thường trực quốc tế ở The Hague (Hà Lan) sắp đưa ra trong vụ Philippines kiện Bắc Kinh có những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ hủy hoại những nỗ lực của toàn cầu trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ tương tự bằng luật pháp. Giới phân tích còn nhận định: Thông qua hành động của mình, Trung Quốc đang minh chứng rằng, nước này có thể bác bỏ những giải pháp như thế nếu lợi ích bị xung đột.  

Phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế sẽ được đưa ra trong một vài tuần đến nhưng do không có cơ chế thực thi nên tác động của phán quyết như thế nào thì vẫn chưa rõ.

Cũng theo AP, trong những tháng qua, các quan chức, báo chí và các quan chức cấp cao quân đội của Trung Quốc chỉ trích việc Philippines khởi kiện, gọi đây là sự bất hợp pháp. Thậm chí, Bắc Kinh cho rằng, phán quyết không thể “khách quan và công bằng”, đồng thời tòa án trọng tài thường trực ở The Hague không có thẩm quyền xét xử vụ kiện.

Trung Quốc vẫn muốn cùng Philippines đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp. Có những dấu hiệu cho thấy, Tổng thống mới đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte, không cứng rắn trong trong vấn đề này như Tổng thống đương nhiệm Benigno Aquino III. Ông Duterte sẽ nhậm chức vào ngày 30-6 tới. Theo người đứng đầu Viện các vấn đề về hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, Jay Batongbacal, dường như ông Duterte sẽ không theo quan điểm cứng rắn của ông Aquino để chống lại Trung Quốc. Song, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia dự đoán sẽ có sự bế tắc ngoại giao nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế.

Cũng liên quan vấn đề Biển Đông, chỉ sau một vài giờ cung cấp cho giới truyền thông, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Trung Quốc diễn ra ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc đã được rút lại để tiến hành “một số điều chỉnh khẩn cấp”. Reuters dẫn lời nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia xác nhận: “Chúng tôi đã phải rút lại Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN đã được cung cấp cho truyền thông… do có những sửa đổi khẩn cấp cần thực hiện”.

Trước đó, các Ngoại trưởng ASEAN ngày 14-6 đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông. Tuyên bố chung nêu rõ: “ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các động thái đã và đang diễn ra trên Biển Đông, điều đã làm xói mòn niềm tin cũng như gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông”. Tuyên bố không chỉ đích danh Trung Quốc hay nước nào khác.

Theo Reuters, vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao bản tuyên bố chung bị rút lại chỉ vài giờ sau đó. Không có bản tuyên bố chung mới nào thay thế và nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia nói rằng, các nước sẽ đưa ra những tuyên bố riêng rẽ. Thông cáo báo chí riêng của Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định các Ngoại trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với Trung Quốc về những diễn biến trong thời gian gần đây trên Biển Đông.

Trong lúc đó, Trung Quốc cho rằng, các phương tiện truyền thông đang “thổi phồng” vấn đề này và bản tuyên bố chung gốc không phải là văn kiện chính thức của ASEAN. “Đây là cuộc họp kín ngay từ đầu và không có sự chuẩn bị nào cho một tuyên bố chung”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.

PHÚC NGUYÊN

.