Quốc tế

Xin đừng rời đi!

08:18, 13/06/2016 (GMT+7)

“Xin đừng rời đi” là tựa đề trên trang nhất tạp chí The Mirror của Đức ra ngày 11-6 trước thềm trưng cầu dân ý của Anh về việc nước này sẽ ở lại hay rời Liên minh châu Âu (EU). Việc Anh ở lại EU cũng là mong muốn của Thủ tướng David Cameron cũng như các nước khác đối với tương lai của khối.

Thủ tướng David Cameron muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu. 				             Ảnh: AFP
Thủ tướng David Cameron muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP

Chỉ còn 10 ngày nữa cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ diễn ra. Nhưng chuyện ở lại hay rời EU không phải là chuyện riêng của nước Anh mà là mối quan tâm của cả châu Âu. Điều đáng nói, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của người dân Anh trước ngày 23-6, ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Tỷ lệ ủng hộ Anh rời EU hiện là 55%, cao hơn 10% so với tỷ lệ phản đối, theo thăm dò của tờ Independent (Anh) hôm 10-6. Thăm dò trên mạng do Sunday Times/YouGov thực hiện cho thấy, số người muốn ở lại là 42% và số người muốn rời đi là 43%. Khoảng 11% chưa biết sẽ lựa chọn như thế nào và 4% nói rằng họ sẽ không tham gia bỏ phiếu.

Phát biểu với báo Sunday ra ngày 12-6, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo, tiền cấp dưỡng và dịch vụ y tế quốc gia có thể bị cắt giảm nếu Anh rời EU. Trả lời phỏng vấn BBC, ông còn nói rằng, xứ sở sương mù sẽ đối mặt với “một thập niên mất mát”. “Không ai biết các cuộc bỏ phiếu sẽ nói gì”, ông Cameron thừa nhận nhưng nhà lãnh đạo này vẫn tỏ ra lạc quan.

Trong khi đó, những người thuộc phe Brexit (ủng hộ Anh rời EU) muốn nước Anh thoát khỏi “một thể chế đang gặp rắc rối” cho rằng, nếu rời EU thì nước này sẽ có những đối tác mới, lương của người lao động sẽ tăng.

Trong một dấu hiệu về sự chia rẽ của đảng Bảo thủ cầm quyền, ông Iain Duncan Smith, cựu Bộ trưởng việc làm và hưu trí, đồng thời là người ủng hộ Brexit, cáo buộc ông Cameron đưa ra “đe dọa vô căn cứ”. “Những gì mà chúng ta hiện có là sự nỗ lực để bắt nạt và đe dọa người dân Anh, nhất là những người hưu trí, nhằm cứu vãn một chiến dịch thất bại”, ông Smith viết trong một tuyên bố được gửi qua email để tuyên truyền cho chiến dịch “Rời đi”. 

Trong khi ông Cameron tập trung đề cập những vấn đề về kinh tế đối với nước Anh khi ở lại EU, phe ủng hộ Brexit lặp lại những quan ngại về mức độ người nhập cư từ EU sẽ tràn vào Anh. Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đang mở ra cánh cửa cho làn sóng người nhập cư. Song, ông Cameron khẳng định không có triển vọng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU trong một vài thập niên. “Với tiến trình hiện tại, họ sẽ đạt được điều đó (gia nhập EU) vào năm 3000”, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh.

Nhiều tổ chức quốc tế và các nước khác cũng đang lo ngại việc Anh rời EU. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo, nếu Anh rời EU, các nhà xuất khẩu nước này có thể phải chi thêm 5,6 tỷ bảng Anh (8,2 tỷ USD) tiền thuế hải quan mỗi năm. Không những thế, Anh sẽ phải đàm phán lại các thỏa thuận thương mại với EU và lần lượt với 58 nước đã ký thỏa thuận tự do thương mại với WTO. Đây sẽ là khó khăn lớn đối với Anh và vô hình trung người Anh sẽ “mất” nhiều hơn, bởi các điều khoản thương mại cam kết giữa Anh và WTO chỉ có hiệu lực khi ở trong “mái nhà chung”.

Các nước khác cho rằng, thay vì người dân Anh trả lời câu hỏi “có” hay “không” đối với việc ở lại EU thì nên chọn câu hỏi họ sẽ thúc đẩy những gì trong một liên minh đang cần sự cải cách. Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom nói rằng, nếu chọn phương án Brexit sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới liên minh 28 quốc gia. Bởi lẽ, kết quả này chắc chắn sẽ dẫn đến hiệu ứng domino; hoặc những nước thành viên khác, nhất là những nước thân cận với Anh, sẽ đòi hỏi ưu đãi khi ở lại EU, gây tổn hại đến toàn khối. Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng không loại trừ khả năng các nước khác sẽ rời EU nếu Anh chọn Brexit.

Sau hơn 40 năm gắn bó, cuộc “hôn phối” giữa Anh với EU không còn ngọt ngào. Nhưng dù Thủ tướng Cameron cảnh báo “thảm họa kinh tế”, hay “đánh bom lên nền kinh tế” nếu Anh quay lưng với EU, thì câu trả lời vẫn tùy thuộc vào người dân nước này. Chưa rõ khi nước Anh độc lập, tách ra khỏi EU, có giàu hơn so với hiện tại hay không, nhưng dù muốn hay không, người dân Anh hiện vẫn phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn và mang tính lịch sử.

VĨNH AN

.