Quốc tế
Nhật Bản - Trung Quốc lại căng thẳng
Nhật Bản bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” sau khi một tàu hải quân của Trung Quốc bị phát hiện đi vào gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa hai nước.
Các tàu tuần duyên của Trung Quốc thường đến gần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng đây là lần đầu tiên một tàu hải quân của Trung Quốc bị phát hiện khi đi vào khu vực này. Ảnh: AFP |
Sáng sớm 9-6, chính phủ Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến và trao công hàm phản đối sau khi một tàu hải quân của Trung Quốc đi vào gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Trong khi các tàu tuần duyên của Trung Quốc thường tuần tra ở gần Senkaku/Điếu Ngư thì đây là lần đầu tiên tàu hải quân của Trung Quốc bị phát hiện đến gần khu vực này.
Hãng Reuters dẫn tuyên bố của chính phủ Nhật Bản cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Akitaka Saiki đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tới để bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng”. Ông Saiki nói với Đại sứ Trung Quốc rằng, Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản, cả về phương diện lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Ông yêu cầu tàu Trung Quốc ngay lập tức phải rời khỏi vùng biển này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga chỉ trích Trung Quốc làm căng thẳng leo thang ở khu vực. “Chúng tôi lo lắng hành động này sẽ làm căng thẳng gia tăng lên mức độ cao hơn”, ông Suga nói, đồng thời cho biết, các Bộ liên quan đang phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề này và Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ. “Chính phủ (Nhật Bản) sẽ thể hiện lập trường kiên quyết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải”, ông Suga nói. Cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã lập một đơn vị liên lạc tại trung tâm giải quyết khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng để tạo sự phối hợp với các Bộ, các cơ quan liên quan.
Tại Washington, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Colin Willett khẳng định sẽ liên hệ chặt chẽ với chính phủ Nhật Bản để giám sát tình hình. Song, bà Willett chưa thể bình luận gì về phản ứng của Mỹ. Thực tế, cả Tokyo lẫn Washington đều lo ngại Bắc Kinh sẽ mở rộng ảnh hưởng ở Biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận cơ quan này đang xem xét báo cáo về vụ việc nhưng cho biết thêm, tàu hải quân Trung Quốc có quyền hoạt động trong khu vực lãnh hải của nước mình.
Năm 2012, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi sau khi Tokyo mua lại một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân. Đây là quần đảo quan trọng vì nó gần ngay các tuyến hàng hải trọng yếu, hải sản phong phú, đồng thời nằm gần các khu vực có trữ lượng lớn về dầu mỏ và khí đốt. Từ đó, tuy hai cường quốc của châu Á này dần dần có những bước đi để hàn gắn quan hệ nhưng vẫn trong tình trạng căng thẳng. Cũng kể từ năm 2012, các tàu tuần duyên của Trung Quốc hầu như mỗi ngày thường xuyên đến gần khu vực đảo tranh chấp và mỗi tháng đều xâm phạm vùng lãnh hải mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Truyền thông Nhật Bản còn cho hay, 3 tàu hải quân Nga cũng xuất hiện tại gần Senkaku. Họ đến lúc 21 giờ 50 ngày 8-6 và rời đi khoảng 3 giờ 5 phút ngày 9-6. Chánh Văn phòng nội các Suga nói rằng, Nhật Bản đang phân tích động thái của Trung Quốc và Nga có liên quan với nhau hay không.
Việc tàu hải quân của Trung Quốc và Nga xuất hiện ở gần Senkaku/Điếu Ngư diễn ra trong lúc Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ chuẩn bị tập trận hải quân chung quy mô lớn, với tên gọi Malabar ở gần Tây Thái Bình Dương.
ĐỖ DƯƠNG - PHÚC NGUYÊN