Quốc tế

Nhiệm kỳ sóng gió của bà Wasserman Schultz

08:00, 30/07/2016 (GMT+7)

Khoảng 20.000 email nội bộ đảng Dân chủ bị rò rỉ trên WikiLeaks chỉ là giọt nước tràn ly dẫn đến sự ra đi của bà Debbie Wasseman Schultz, người vừa tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) sau khi Đại hội đảng bế mạc tại Philadelphia.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Debbie Wasseman Schultz tại Đại hội đảng ở Philadelphia.                               Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Debbie Wasseman Schultz tại Đại hội đảng ở Philadelphia. Ảnh: Reuters

Thực tế, từ lâu, sự ra đi của bà Debbie Wasseman Schultz, nữ nghị sĩ bang Florida đã được báo trước.
Được bầu vào Hạ viện Mỹ năm 2004, bà Schultz bắt đầu cương vị Chủ tịch DNC từ năm 2011. Các đảng viên đảng Dân chủ đã kỳ vọng người phụ nữ này sẽ trở thành người có khả năng truyền đạt sắc sảo và sẽ bảo vệ các lợi ích của đảng.

Dù vậy, theo thời gian, những phàn nàn, chỉ trích cứ tăng dần về hiệu quả thực sự của bà trong tư cách người phát ngôn trước công chúng, cũng như chính sách phân bổ của bà trên mặt trận gây quỹ cho đảng.

Bà Schultz đã rất chật vật để có thể gia tăng khoản ngân sách mà các lãnh đạo đảng Dân chủ kỳ vọng. Một phần lý do vì một tổ chức bên ngoài do Tổng thống Barack Obama thành lập có tên Organizing for Action (tổ chức từng giúp ông Obama đắc cử tổng thống) đã khiến một số nguồn tài trợ bị lôi kéo ra khỏi “cỗ máy” gây dựng ngân sách cho đảng của bà Schultz.

Trong khi một số đảng viên đảng Dân chủ vốn rất mệt mỏi về cách điều hành công việc của bà Schultz, mọi việc càng trở nên khó chịu hơn khi trong mùa bầu cử sơ bộ năm 2016 ở Mỹ, những người ủng hộ ông Bernie Sanders cáo buộc Chủ tịch DNC thiên vị quá mức ứng cử viên Hillary Clinton.

Bên cạnh rất nhiều mắc mứu khác, những người tham gia chiến dịch tranh cử ủng hộ ông Sanders đã vô cùng bất bình với cách lên kế hoạch cho những cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Sanders và bà Clinton. Họ cho rằng, DNC đã cố tình lựa chọn những thời điểm mà lượng người xem truyền hình thấp hơn.

Những căng thẳng này đã đạt tới đỉnh điểm hồi tháng 5 năm nay khi bà Schultz công khai chỉ trích Thượng nghị sĩ bang Vermont về phản ứng của ông trước khung cảnh hỗn loạn liên quan những người ủng hộ ông Sanders ở bang Nevada, thậm chí so sánh tình huống đó với một “cuộc tuần hành kiểu Trump”.

Những tranh cãi liên miên khiến nhiều người trong đảng Dân chủ tin rằng, bà Schultz trở thành một nhà lãnh đạo gây chia rẽ và phân tán đảng hơn là người thủ lĩnh hiệu quả.

Cái gì đến rốt cuộc cũng đã phải đến. Điểm “bùng nổ” đã xảy ra vào cuối tuần qua khi các email nội bộ của DNC bị rò rỉ trên WikiLeaks cho thấy các nhân viên của DNC đã cố tình đánh hỏng chiến dịch tranh cử của ông Sanders. Sự việc làm dấy lên những phản ứng dữ dội và không ít người thẳng thừng yêu cầu bà Schultz từ chức.

Bất kể việc bà Schultz tuyên bố hôm 24-7 rằng, bà sẽ từ chức khi Đại hội đảng Dân chủ bế mạc, tức là sau thời điểm bà Hillary Clinton chính thức tiếp nhận đề cử trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ 2016. Song, việc Schultz chọn ra đi vẫn chưa làm thỏa mãn một số người chỉ trích bà.

Ông John Morgan, một trong những nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ, là người chỉ trích mạnh mẽ nhất bà Schultz. Morgan cho rằng, ông đã sửng sốt trước việc nữ nghị sĩ này vẫn tiếp tục phát biểu trước các đại biểu đảng trong đại hội.

Theo một số nguồn tin, bà Schultz đã cố tìm mọi cách để bám trụ cương vị Chủ tịch DNC và vượt qua bão dư luận sau “quả bom” WikiLeaks. Tuy nhiên, bà nhận được quá ít sự ủng hộ từ các đồng nghiệp ở Nhà Trắng; trong đó, rõ nhất là cả nghị sĩ Hạ viện Nancy Pelosi lẫn lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Harry Reid cũng đã từ chối ra tay cứu giúp.

Song song với Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra tại Philadelphia, nhiều thành viên trong đảng tin rằng, tốt nhất là bà Schultz nên từ chức càng sớm càng tốt để giúp đảng nhanh chóng vượt qua khỏi những phân tán thiên lệch.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Reince Priebus bình luận về sự việc của bà Schultz: “Tôi hiểu rất rõ là việc làm chủ tịch một đảng phái cấp quốc gia khó khăn đến thế nào. Nhưng khi anh thao túng một hệ thống, phát tán email với nhau và với các nhân viên cấp cao theo cách đó, thì tôi cho rằng đây là hậu quả không thể tránh được. Không có lối thoát nào cả và tôi nghĩ, hiển nhiên kết cục đó đã tới và tôi không thấy còn có thể thấy trước được hệ quả nào khác nữa”.

Một hậu quả lớn hơn nữa mà có lẽ bà Schultz cũng đã lường được là, sau khi bà ra đi, DNC vẫn tiếp tục đối mặt với cuộc chiến đấu để giành lại niềm tin từ các thành viên trong đảng rằng, đảng Dân chủ sẽ phải là một đảng liêm chính, không thiên lệch trong các cuộc bầu cử tương lai.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.