Quốc tế
Người Đức chia rẽ vì chính sách nhập cư
Hai đoàn biểu tình gồm vài chục ngàn người đã đổ ra các con phố ở thủ đô Berlin của Đức, một bên ủng hộ, còn bên kia phản đối gay gắt chính sách mở cửa tiếp nhận người nhập cư của Thủ tướng Angela Merkel.
Người biểu tình mang tấm biển “Bà Merkel hãy từ chức ngay” trong dòng người đông đúc ở Berlin ngày 30-7. Ảnh: Voice of Europe |
Những ngày qua, sau các vụ tấn công khủng bố gây rúng động nước Đức, những chia rẽ trong dư luận về chính sách mở cửa tiếp nhận người nhập cư của Thủ tướng Anglela Merkel không còn tồn tại ở trạng thái ngấm ngầm nữa, mà bùng phát ngày càng trực tiếp và rõ ràng hơn.
Trước ngày biểu tình chính thức 30-7, nhóm người biểu tình phản đối bà Merkel đã kêu gọi mọi người đồng thuận tham gia bằng mã chủ đề #merkelmussweg (bà Merkel phải ra đi) trên mạng xã hội Twitter.
Phe biểu tình phản đối bà Merkel có khoảng 10.000 người tập trung bên ngoài Quảng trường Washington ở Berlin. Hòa vào dòng người đông đúc, nhiều người thậm chí còn mang theo những lá cờ có in hình chữ vạn, biểu tượng của chủ nghĩa phát-xít; nhiều người mang theo các tấm áp-phích nêu rõ quan điểm chống người tị nạn, người nhập cư. Người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Merkel và chính sách cởi mở với người nhập cư của bà đã dẫn đến một loạt vụ tấn công khủng bố ở Đức và trên toàn châu Âu.
Dòng người biểu tình được cho phép tuần hành hòa bình qua các con phố ở Berlin, qua cả văn phòng Thủ tướng Merkel nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát được điều động chật kín dọc theo hành trình di chuyển của họ.
Cùng với nhóm này, có một phái đoàn biểu tình khác phản đối những người biểu tình chống nhập cư. Họ là những người ủng hộ chính sách mở cửa của bà Merkel với người tị nạn. Họ di chuyển theo hướng ngược lại với những người biểu tình chống nhập cư và hô vang: “Những người tị nạn được chào đón ở đây”.
Cùng với đó, phái đoàn này cũng mang theo các băng-rôn với chủ đề #BerlinNaziFrei (Berlin đã không còn phát-xít) và những lá cờ chống chủ nghĩa phát-xít. Nhiều băng-rôn ghi rõ: “Chào đón những người tị nạn!”. Ngay cả những người biểu tình ủng hộ chính sách của bà Merkel cũng phải di chuyển dưới sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát.
Hơn nửa triệu người nhập cư đã tràn qua biên giới nước Đức trong năm ngoái, gần bằng số dân ở thành phố Munich, thành phố lớn thứ ba của Đức. Mặc dù làn sóng nhập cư đã giảm tốc trong những tháng gần đây nhưng vẫn tiếp tục có thêm nhiều người từ những nước xảy ra chiến sự như Syria đến Đức tìm cơ chế tị nạn.
Cuộc khủng hoảng nhập cư đã tác động tới mọi người dân nước Đức. Bất kể quan điểm chung chi phối cuộc khủng hoảng này của chính quyền, cuộc khủng hoảng gây tranh cãi sâu sắc trong xã hội. Chưa bao giờ bà Merkel phải hứng chịu búa rìu dư luận nặng nề như vậy khi kết quả thăm dò mới nhất cho thấy 83% người Đức cho rằng, người nhập cư là thách thức lớn nhất với đất nước của họ hiện nay, gấp đôi số người có quan điểm này trong năm ngoái.
Các vụ tấn công xảy ra gần đây ở Đức đã phơi bày những mâu thuẫn và rạn nứt nội bộ trong quan điểm của đảng ủng hộ người nhập cư De Linke ở Đức. Đây cũng là một đảng tham gia cuộc biểu tình ngày 30-7.
Sau 4 vụ tấn công xảy ra chỉ trong 7 ngày ở Đức, mà 3 trong số các vụ ấy dường như đều liên quan tới những người muốn xin được tị nạn ở Đức, lãnh đạo đảng De Linke, bà Sahra Wagenknecht, đối mặt với yêu cầu phải từ chức khi phát thông cáo chỉ trích chính sách mở cửa với người nhập cư. Trong đó có vụ tấn công bom liều chết thất bại ở thành phố Ansbach miền nam nước Đức. Kẻ đánh bom, người duy nhất thiệt mạng trong vụ tấn công, là một người Syria muốn xin tị nạn ở Đức.
Trong thông cáo ngày 25-7, bà Wagenknecht không giấu những hoài nghi về chính sách mở cửa với người nhập cư của Thủ tướng Merkel mà bà từng ủng hộ. Mặc dù chính các thành viên trong đảng De Linke chỉ trích bà Wagenknecht về thông cáo này, nhưng bà lại nhận được sự ủng hộ từ một đảng cực hữu là đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (Alternative for Germany - AfD). Lãnh đạo AfD, Andre Poggenburg, nêu quan điểm tán thành và kêu gọi bà Wagenknecht gia nhập với AfD trong vấn đề này.
Hai làn sóng biểu tình đối lập nhau cùng diễn ra trên đường phố Berlin cho thấy vấn đề nhập cư và người tị nạn ở Đức đã trở thành yếu tố quan trọng góp phần định hình diện mạo chính trị của cuộc bầu cử tại các khu vực ở Đức năm 2017.
TRẦN ĐẮC LUÂN