Quốc tế

Trung Quốc thiết lập cơ sở pháp lý cho hành vi sai trái ở Biển Đông

16:16, 04/08/2016 (GMT+7)

Việc Trung Quốc truy tố những người đi vào vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền là động thái đáng quan ngại.

Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS)
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS)

Những ngày gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các hành động nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 bác bỏ cái mà Bắc Kinh gọi là “quyền lịch sử” với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”.

Mới đây nhất, hôm 2/8, Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên bố rằng “Bắc Kinh có cơ sở pháp lý rõ ràng để giữ gìn trật tự hàng hải, an ninh và lợi ích hàng hải cũng như thực hiện quản lý vùng biển theo quy định pháp luật” của nước này.

Trung Quốc còn cảnh báo những người “xâm nhập trái phép” vào lãnh hải Trung Quốc và từ chối rời đi khi bị đuổi hoặc tiếp tục xâm nhập sau khi bị đuổi ra sẽ được coi là phạm tội hình sự “nghiêm trọng” và có thể chịu án phạt tối đa một năm tù.

“Cách giải thích này tạo ra sự đảm bảo về mặt pháp lý cho việc thực thi luật đánh bắt cá trên biển”, Tòa án Tối cao Trung Quốc cho biết thêm.

Tuyên bố ngang ngược của Tòa án Tối cao Trung Quốc ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và học giả hàng đầu trên thế giới.

“Việc Trung Quốc truy tố những người đi vào vùng biển mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền là một động thái đáng quan ngại”, giáo sư Michael Davis tại Đại học Hong Kong nói với CNN.

Chuyên viên cao cấp Robert Kaplan của Trung tâm An ninh Mỹ mới nói với Business Insider: “Tuyên bố của Tòa án Tối cao Trung Quốc là cách mà họ tự cho mình cái quyền làm những gì mình muốn ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của Toà trọng tài”.

Chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thì cho rằng: “Có vẻ như Trung Quốc đang âm mưu thiết lập cơ sở pháp lý bằng luật pháp trong nước để qua đó thực thi các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông”.

Cũng trong ngày 2/8, lần đầu trả lời báo chí sau phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện biển Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, phán quyết của Tòa trọng tài là rõ ràng, có tính ràng buộc pháp lý và cần được tôn trọng.

Ông Obama nói với tờ Straits Times: “Philippines đã rất nỗ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc bằng con đường pháp lý và hòa bình thông qua Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Phán quyết của Tòa là rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các tranh chấp ở Biển Đông mà Trung Quốc và Philippines là hai bên có liên quan và cần phải tôn trọng phán quyết này.

Chúng tôi tin rằng, phán quyết này hoàn toàn có thể mở ra cơ hội để các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và các bên có liên quan hợp tác một cách xây dựng để giải quyết các bất đồng để Biển Đông- tuyến đường rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu- có thể trở thành yếu tố thúc đẩy thương mại và hợp tác”.

Theo VOV

.