Quan sát & Bình luận
Diều hâu vỗ cánh?
Việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ngày 12-7 vừa qua làm Bắc Kinh tức tối và có những lời nói cùng hành động mang tính hai mặt.
Trước hết, Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ phán quyết của PCA, coi đó là văn bản không có giá trị. Hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc lên tiếng trên các diễn đàn trong nước và quốc tế đều không chấp nhận phán quyết của PCA, đồng thời vẫn cố tình khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc tiến hành chiến dịch ngoại giao rộng lớn để thuyết phục các nước, nhất là những quốc gia lệ thuộc về chính trị, kinh tế, hay không quan tâm các vấn đề trên Biển Đông để ủng hộ cái gọi là “yêu sách chính đáng” của Bắc Kinh. Họ mập mờ đánh lận con đen rằng, có hơn 60 quốc gia ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông (!?). Thậm chí, họ còn lên tiếng đe dọa, hoặc can thiệp một cách trắng trợn vào một số hội nghị quốc tế trong khu vực khi đề cập đến Biển Đông hay yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hai là, họ vẫn sử dụng chiêu bài “sự trỗi dậy hòa bình” khi cho rằng, Trung Quốc luôn nhất quán trong việc phát triển các mối quan hệ, kể cả giải quyết những vấn đề bất đồng với các quốc gia liên quan bằng biện pháp hòa bình.
Nhưng thực tế, họ ngày càng bộc lộ thái độ “diều hâu vỗ cánh” để bay đi cướp mồi, chứ không phải “con cừu non ăn cỏ” trên thảo nguyên.
Ngay sau phán quyết của PCA, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cảnh báo: “Đừng biến Biển Đông thành nguồn gốc chiến tranh”. Chứng minh cho phát biểu này, từ ngày 5 đến 11-7, hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập thực binh ở khu vực từ đảo Hải Nam tới vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là cuộc diễn tập bắn đạn thật, có sự tham gia của hơn 100 tàu chiến (cả tàu mặt nước lẫn tàu ngầm), hàng chục máy bay chiến đấu và một số đơn vị tên lửa bờ biển đến từ 3 hạm đội: Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải, trong đó nòng cốt là Hạm đội Nam Hải. Đáng chú ý là cả hai cuộc diễn tập này đều do Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Ngô Thắng Lợi đích thân chỉ đạo tại hiện trường.
Không những vậy, ngày 2-8, hải quân Trung Quốc triển khai diễn tập quy mô lớn trên biển Hoa Đông, nơi họ có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, với sự tham dự của hơn 100 tàu chiến, hàng chục chiến đấu cơ thuộc 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, do Hạm đội Đông Hải đóng vai trò chủ lực. Cùng tham gia diễn tập còn có lực lượng phòng vệ bờ biển, radar, tác chiến điện tử...
Tờ Đông Phương, nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất ở Hong Kong (Trung Quốc), ngày 25-7 dẫn tiết lộ của Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Dương Nghị cho hay, nhằm ứng phó với sự kiện PCA ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình đã triệu tập Hội nghị Quân ủy Trung ương, quyết định điều động binh hùng tướng mạnh tiến hành diễn tập ở Biển Đông, chuẩn bị 3 phương án chiến tranh, gồm chiến tranh lớn, chiến tranh vừa và chiến tranh nhỏ để ứng phó với thách thức của Mỹ.
Ngày 22-7, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long yêu cầu tăng tốc thúc đẩy chuẩn bị đấu tranh quân sự, nỗ lực tăng cường huấn luyện quân sự thực chiến hóa, không ngừng nâng cao năng lực răn đe và thực chiến.
Trong một phát biểu được đăng tải trên trang web của tờ Nhân dân nhật báo, nhà nghiên cứu Dương Hi Vũ thuộc Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc xem đây là lần đầu tiên kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, giới chức cấp cao quân đội Trung Quốc đưa ra một chỉ thị sẵn sàng chiến đấu cụ thể như vậy trên hướng Biển Đông.
Nghiêm trọng hơn, Tòa án Tối cao Trung Quốc ngày 2-8, quy định các hình phạt đối với những hành động bị xem là đánh cá “bất hợp pháp” trong vùng biển Trung Quốc, kể cả khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tại Biển Đông.
Đánh giá về động thái đó của Trung Quốc, Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản đã không ngần ngại công kích các hành vi bị cho là thái quá của Trung Quốc cả ở Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh ngoài ý muốn. Sách Trắng Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động của Trung Quốc ngày càng hung hăng, coi thường những quy tắc quốc tế trong quan hệ với các nước khác có thể dẫn tới “những hậu quả khôn lường”.
Diễn biến đó cho thấy, tư tưởng và hành động mang tính diều hâu của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế phản đối, lên án mạnh mẽ, buộc các quốc gia láng giềng phải nâng cao cảnh giác, xem xét lại chính sách quốc phòng của mình. Đồng thời, nó cũng vạch trần học thuyết “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc chỉ là sự ngụy biện cho hành động phiêu lưu nhằm mở rộng chủ quyền phi lý.
Ở một khía cạnh khác, liệu “diều hâu vỗ cánh” có trở thành hiện thực hay không là điều không thể dễ dàng trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay.
TUYẾT MINH