.

Mark Zuckerberg bị chỉ trích vì xóa bức ảnh chiến tranh Việt Nam

.

Aftenposten, tờ báo lớn nhất Na Uy vừa đăng một bức thư mở trên trang nhất gửi cho Mark Zuckerberg, chỉ trích quyết định kiểm duyệt bức ảnh lịch sử về chiến tranh Việt Nam của giám đốc điều hành Facebook.

Bức ảnh 'Nỗi kinh hoàng chiến tranh' của nhà báo đoạt giải Pulitzer, Nick Ut, ghi lại cảnh các em bé Việt Nam chạy trốn một cuộc tấn công bằng bom napalm. (Ảnh: Nick Ut)
Bức ảnh 'Nỗi kinh hoàng chiến tranh' của nhà báo đoạt giải Pulitzer, Nick Ut, ghi lại cảnh các em bé Việt Nam chạy trốn một cuộc tấn công bằng bom napalm. (Ảnh: Nick Ut)

Những tranh cãi nảy sinh từ việc Facebook quyết định xóa một bài đăng của cây viết Tom Egeland.

Bài viết của Egeland bàn luận về “7 bức ảnh đã làm thay đổi lịch sử chiến tranh” và có sử dụng bức ảnh “Nỗi kinh hoàng chiến tranh” của nhà báo đoạt giải Pulitzer, Nick Ut, ghi lại cảnh các em bé Việt Nam, trong đó có cô bé 9 tuổi Kim Phúc trần truồng chạy trốn một cuộc tấn công bằng bom napalm trong chiến tranh Việt Nam.

Espen Egil Hansen, tổng biên tập kiêm giám đốc điều hành Aftenposten buộc tội Zuckerberg đã “lạm dụng quyền lực” một cách thiếu suy nghĩ trên Facebook, trang mạng xã hội đã trở thành nguồn phân phối tin tức và thông tin toàn thế giới.

“Tôi lo rằng phương tiện truyền tải thông tin quan trọng nhất thế giới đang giới hạn sự tự do thay vì cố gắng phát triển nó, và rằng điều này vẫn xảy ra một cách độc đoán.”

Sau khi bị gỡ bài đăng, Egeland cũng bị cấm vào Facebook. Khi Aftenposten đề cập đến vụ cấm đoán này, và dùng cùng bức ảnh trong bài viết của mình trên Facebook, tờ báo đã nhận được tin nhắn từ Facebook yêu cầu “gỡ hoặc làm mờ ảnh.”

“Bất cứ hình ảnh nào trong đó có người khỏa thân hay để lộ bộ phận sinh dục đều sẽ bị gỡ bỏ,” thông báo của Facebook viết.

Hansen cũng cho biết trước khi Aftenposten kịp đưa ra phản ứng, Facebook đã xóa bài viết và hình ảnh từ trang tin của tờ báo trên Facebook.

Trong bức thư, Hansen chỉ ra rằng quyết định xóa ảnh của Facebook cho thấy việc “thiếu khả năng phân biệt giữa khiêu dâm trẻ em và ảnh thời chiến nổi tiếng” đáng lo ngại của mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng như thiếu tinh thần tự nguyện “tạo không gian mở để phán xét.”

“Dù là tổng biên tập tờ báo lớn nhất Na Uy, tôi phải thừa nhận là anh đang hạn chế quyền thực hiện trách nhiệm biên tập của tôi. Tôi nghĩ anh đang lạm dụng quyền lực của mình, và thật khó tin là anh đã suy nghĩ thấu đáo.”

Hansen lập luận rằng, thay vì thực hiện tuyên bố nhiệm vụ “biến thế giới thành một nơi rộng mở và kết nối hơn,” những quyết định kiểu này của Facebook “chỉ đơn giản là cổ súy sự ngu dốt và thất bại trong việc mang mọi người đến gần nhau hơn.”

Bài xã luận của Aftenposten xuất hiện trong thời điểm Facebook đang ngày càng thể hiện quyền thống trị trong việc phát tán tin tức. Các tổ chức tin tức phải phụ thuộc một cách không thoải mái vào Facebook để tiếp cận khán giả trực tuyến.

Theo một nghiên cứu năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu Paw, 44% người trưởng thành ở Mỹ cập nhật tin tức qua Facebook.

Sự phổ biến của Facebook cũng đồng nghĩa với việc các thuật toán của nó có thể tạo tác động rất lớn với ý kiến của công chúng.

Hansen chỉ ra rằng những quyết định của Facebook về nội dung nào nên được ủng hộ hay cấm đoán - dù là thực hiện bằng thuật toán hay không - đều là hoạt động biên tập về chức năng.

“Truyền thông có nhiệm vụ cân nhắc xuất bản tin tức trong mọi trường hợp. Quyền lợi và nghĩa vụ mà mọi biên tập viên trên thế giới có không nên bị phủ nhận vởi những thuật toán được viết trong văn phòng của anh ở California.”

Phát biểu ở Rome hồi tháng trước, Zuckerberg đã trả lời câu hỏi về vai trò của Facebook trong truyền thông tin tức và dường như đã nói giảm đi các trách nhiệm biên tập của mình.

“Chúng tôi là công ty công nghệ, không phải công ty truyền thông. Thế giới cần các công ty tin tức, nhưng cũng cần những nền tảng công nghệ như điều chúng tôi đang làm, và chúng tôi coi vai trò của mình ở đây là hết sức nghiêm túc.”

Một người phát ngôn của Facebook đã phản hồi lại về sự việc gỡ ảnh nêu trên sau khi được tờ Guardian phỏng vấn như sau: ​"Chúng tôi biết bức ảnh đó là một biểu tượng, nhưng khó mà tạo ra được sự tách biệt giữa cho phép đăng một bức ảnh em bé trần truồng trong trường hợp này mà không phải trong các trường hợp khác."

"Chúng tôi đang nỗ lực tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc cho phép mọi người thể hiện bản thân trong khi vẫn duy trì trải nghiệm an toàn và mang tính tôn trọng cho cộng đồng toàn cầu của chúng ta. Những giải pháp của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện các chính sách của mình cũng như cách áp dụng chúng".

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.