Quốc tế
Nội chiến ở Syria: Thỏa thuận ngừng bắn vẫn mong manh
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, với sự hậu thuẫn của quốc tế, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12-9. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu gì cho thấy lực lượng đối lập và các nhóm cực đoan ở quốc gia Trung Đông này sẽ tôn trọng thỏa thuận.
Thành phố Aleppo và những vùng lân cận là những đống đổ nát, ngổn ngang sau những trận không kích. Ảnh: AFP |
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 0 giờ ngày 12-9, đúng ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Ban đầu, lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài 48 giờ với việc ngừng giao tranh ở những khu vực không do các nhóm thánh chiến hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm giữ.
Thỏa thuận đạt được sau các cuộc đàm phán marathon là cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 5,5 năm qua ở Syria. Ngoài ra, việc tạm ngừng giao tranh còn nhằm cung cấp viện trợ cho hàng ngàn người dân đang tuyệt vọng ở thành phố Aleppo. Sau nhiều nỗ lực để kiến tạo hòa bình cho Syria và thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 2 thất bại, các cường quốc trên thế giới muốn chấm dứt cuộc xung đột đã làm hơn 290.000 người chết và hàng triệu người khác rời bỏ nhà cửa.
Hãng AFP cho biết, nếu lệnh ngừng bắn được duy trì trong một tuần, Nga và Mỹ sẽ bắt đầu nhằm vào mục tiêu chung chưa từng có giữa hai nước: lực lượng thánh chiến, bao gồm IS và Mặt trận Fateh al-Sham (tên gọi cũ là Mặt trận Al-Nusra), vốn trước đây là một chi nhánh của Al-Qaeda.
Tuy nhiên, cũng theo AFP, phe đối lập của Syria muốn có sự bảo đảm hơn nữa trước khi họ tuyên bố ủng hộ thỏa thuận, bởi lực lượng này hoài nghi về việc Tổng thống Bashar al-Assad tuân thủ thỏa thuận. “Chúng tôi muốn biết sự bảo lãnh là gì”, ông Salem al-Muslet, người phát ngôn của Ủy ban Đàm phán cấp cao, một nhóm đối lập chính ở Syria, nhấn mạnh. Ông này còn cho hay, lực lượng của ông đang đề nghị sự bảo lãnh, nhất là từ Mỹ - vốn là một bên của thỏa thuận.
Ông Salem cũng đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như thỏa thuận có xác định những nhóm “khủng bố” có thể tiếp tục là mục tiêu hay không và những phản ứng gì bị cho là vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Nhiều câu hỏi khác vẫn chưa được giải đáp như: lệnh ngừng bắn có áp dụng cho nhiều khu vực của đất nước, nơi có sự hiện diện của Mặt trận Fateh al-Sham hay không.
Mỹ hiện ủng hộ các nhóm phiến quân ôn hòa chống lại chính phủ của Tổng thống Assad, trong khi Nga và Iran ủng hộ nhà lãnh đạo này. Hiện tại, chính phủ Syria và các đồng minh như Iran và phong trào Hezbollah của Lebanon ủng hộ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận mới này vẫn nhận được những thông điệp và cam kết khác nhau từ nhiều phe phái thuộc lực lượng phiến quân. Trong đó, phiến quân cho rằng, thỏa thuận mang lại lợi ích cho Tổng thống Assad.
Song, ngày 12-9, một phóng viên AFP tường thuật rằng, máy bay của chính phủ Damascus đã tiến hành thêm các cuộc không kích và tấn công bằng bom thùng nhằm vào khu vực phía đông do phiến quân kiểm soát.
Tại Geneva (Thụy Sĩ), đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura nói rằng, cơ quan này sẽ giám sát việc bắt đầu thực hiện thỏa thuận ngừng bắn “một cách cẩn thận trước khi đưa ra những bình luận vội vã”. Thứ trưởng Ngoại giao Nga kiêm đặc phái viên Tổng thống Nga về Trung Đông và châu Phi, ông Mikhail Bogdanov, cho biết vòng đàm phán mới giữa chính phủ Syria và phe đối lập có thể diễn ra đầu tháng 10 tới.
Chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, Tổng thống Bashar al-Assad có mặt trong buổi cầu nguyện nhân dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo tại thị trấn Daraya, ngoại ô Damascus. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của ông trước công chúng.
Hãng AP cho biết, Tổng thống Assad cam kết chính phủ của ông sẽ lấy lại những phần đất từ “những kẻ khủng bố” và xây dựng lại đất nước. Nhà lãnh đạo Syria không bình luận gì về thỏa thuận ngừng bắn, chỉ nói rằng quân đội sẽ tiếp tục công việc của mình “mà không hề do dự…”.
PHÚC NGUYÊN