Quốc tế
Xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc ở Syria bị tấn công: Nga - Mỹ chỉ trích lẫn nhau
Nga và Mỹ cáo buộc lẫn nhau về các vụ không kích ở Syria sau khi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời vốn được hai cường quốc này hậu thuẫn đã đổ vỡ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đổ lỗi cho Nga đã tấn công đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc ở Syria. Ảnh: AFP |
Ngày 22-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cùng ngồi lại với các đối tác then chốt trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) để tìm giải pháp làm sống lại thỏa thuận ngừng bắn vốn vừa bị “chết yểu”, vạch ra lộ trình mới tiến đến chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Syria.
Hãng AFP cho biết, ông Kerry tức giận đổ lỗi cho Nga đã tấn công một đoàn xe cứu trợ nhân đạo LHQ ở gần thành phố Aleppo của Syria và cho rằng, các máy bay chiến đấu của Mátxcơva cùng Damascus hoạt động tại các khu vực phía bắc Syria hôm 19-9, thời điểm đoàn xe bị không kích. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, có thể cứu vãn những nỗ lực trung gian để tìm kiếm một giải pháp ở Syria chỉ khi nào Nga chịu trách nhiệm về các cuộc không kích gần đây. Theo ông, vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe cứu trợ làm dấy lên “nghi ngờ sâu sắc” về việc Nga và đồng minh Syria có cam kết duy trì lệnh ngừng bắn hay không.
Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ. AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho rằng, một máy bay không người lái của liên quân đã ở trong khu vực đoàn xe cứu trợ bị tấn công. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phủ nhận điều này.
Theo người phát ngôn Konashenkov, việc Mỹ quy trách nhiệm cho Nga chẳng qua là một âm mưu đánh lạc hướng đối với vụ không kích của liên quân quốc tế do Washington dẫn đầu nhằm vào các binh sĩ Syria ở gần sân bay Deir al-Zor hôm 17-9 vừa qua. Hàng chục binh sĩ Syria đã thiệt mạng trong cuộc không kích hôm 17-9 do liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện. Tuy nhiên, Washington khẳng định đây chỉ là sự nhầm lẫn.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng khẳng định lực lượng không quân Syria không thể can dự vào cuộc tấn công đoàn xe chở hàng nhân đạo vì lực lượng này không thể tiến hành các chuyến bay ban đêm. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh trước HĐBA rằng, sẽ không có chuyện các lực lượng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục “đơn phương ngừng các hoạt động”.
Lệnh ngừng bắn tạm thời mới nhất do Nga và Mỹ đàm phán đã bị Syria hủy bỏ hôm 19-9. Ngay sau đó, vụ tấn công đoàn xe cứu trợ của LHQ xảy ra, làm 20 nhân viên bị thương, 18 xe chở lương thực để viện trợ cho dân thường ở Aleppo bị phá hủy.
Cũng tại cuộc họp HĐBA, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thúc giục các cường quốc thế giới dùng ảnh hưởng của mình để giúp tái khởi động đàm phán chính trị để người dân Syria có thể “thoát khỏi địa ngục mà họ đang bị mắc kẹt lại”.
Bất chấp sự gay gắt giữa Nga và Mỹ, những nỗ lực ngoại giao vẫn được tiếp tục tại New York với cuộc họp của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) vào chiều 22-9 (sáng sớm 23-9, giờ Việt Nam). Trước đó, ngoại trưởng 23 nước ISSG đã thống nhất về sự cần thiết tiếp tục theo đuổi thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria theo kế hoạch của Nga và Mỹ; đồng thời cần thúc đẩy giải pháp chính trị nhằm kết thúc khủng hoảng ở tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong nội chiến.
Ngoại trưởng Lavrov cũng kêu gọi xem xét danh sách các nhóm khủng bố không được đề cập trong lệnh ngừng bắn như IS và Mặt trận Nusra có liên quan Al-Qaeda. Song, từ lâu, Nga cho rằng, bên cạnh các chiến binh thánh chiến này còn có các nhóm khác nữa. Theo ông Lavrov, cần có cách tiếp cận toàn diện thì cơ hội chấm dứt các hoạt động thù địch sẽ tốt hơn. Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari cũng khẳng định chính phủ của ông đang chiến đấu chống lại “hàng chục ngàn kẻ khủng bố” được các nước ngoài hậu thuẫn.
PHÚC NGUYÊN