Quốc tế

Liên minh châu Âu thống nhất thông qua quyết định ký kết CETA

10:40, 29/10/2016 (GMT+7)

Đêm 28/10, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất thông qua toàn bộ các văn bản liên quan đến Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) giữa EU và Canada. EU tuyên bố sẵn sàng ký CETA từ thời điểm này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: csee-etuce.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: csee-etuce.org)

Các văn bản liên quan đến CETA vừa được thông qua bao gồm một quyết định về việc ký hiệp định, một quyết định về áp dụng tạm thời hiệp định và một quyết định trình Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn việc ký kết hiệp định.

Đại diện các nước thành viên EU cũng thông qua một văn bản giải thích các thuật ngữ bắt buộc của hiệp định về một số vấn đề.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Chủ tịch luân phiên EU, tuyên bố rất vui mừng và khẳng định rằng EU đã sẵn sàng ký CETA với Canada.

Ông nhấn mạnh hiệp định đánh dấu bước tiến quan trọng trong chính sách thương mại của EU và khẳng định cam kết của EU trong chính sách này.

Ông Robert Fico đánh giá CETA là một hiệp định hiện đại, tân tiến và tạo ra các cơ hội mới, đồng thời bảo vệ các lợi ích quan trọng. Ngoài ra, việc thông qua CETA cũng mở ra khả năng đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do trong tương lai.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo EU và Canada sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 30/10 để ký kết CETA. Dự kiến lễ ký sẽ diễn ra vào trưa cùng ngày tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Trước đó cùng ngày, Nghị viện vùng Wallonia của Bỉ đã thông qua CETA với tỷ lệ 58 phiếu thuận và 5 phiếu chống, qua đó chấm dứt việc phản đối vốn có nguy cơ khiến hiệp định này bị hủy bỏ bất chấp việc 27 nước EU khác đã ủng hộ.

Các nghị sỹ của vùng Wallonia đã bỏ phiếu ủng hộ CETA, 1 ngày sau khi các chính trị gia Bỉ đạt được thỏa thuận phá vỡ sự bế tắc liên quan đến Hiệp định này.

Ngày 27/10, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết những người đứng đầu các vùng và cộng đồng ngôn ngữ của nước này đã đưa ra văn bản chung nhằm xoa dịu những lo ngại của vùng Wallonia về việc nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp và một hệ thống giải quyết tranh chấp gây nhiều tranh cãi.

Hiệp định CETA được cho là sẽ kết nối EU - một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm hơn 500 triệu dân với Canada - nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu.

Theo Vietnam+

.