Quan sát & Bình luận
Xoay trục và "ngoại giao độc lập"
Chiến lược xoay trục của Mỹ từ Trung Đông và châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương được đặt ra từ cuối nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Barack Obama và triển khai trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Như vậy, chiến lược của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương sau Chiến tranh Lạnh là bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu của chính phủ Mỹ, mà mục tiêu xuyên suốt, nhất quán là sử dụng ưu thế về kinh tế, chính trị, quân sự, giành quyền bá chủ khu vực và thế giới. Đây là một trong những nhân tố quan trọng làm quan hệ giữa các nước lớn và cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước này ở khu vực càng gay gắt, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Những trụ cột để Mỹ dựa vào cho chiến lược xoay trục là các quốc gia đồng minh lâu đời: Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc và một số quốc gia khác như Thái Lan, Singapore… Mỹ tăng cường thúc đẩy các mối quan hệ đồng minh an ninh song phương với các quốc gia này trên cơ sở duy trì đồng thuận về chính trị với những giá trị cốt lõi của quan hệ đồng minh; bảo đảm quan hệ đồng minh linh hoạt để đối phó những thách thức mới cũng như tận dụng cơ hội mới; bảo đảm khả năng phòng thủ và hạ tầng thông tin để răn đe bất cứ sự khiêu khích nào; đồng thời mở rộng quan hệ với các quốc gia mới nổi và các quốc gia tiềm năng như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Mông Cổ, Việt Nam, Brunei và các quốc đảo ở Thái Bình Dương…
Tuy nhiên, khi chiến lược xoay trục của Mỹ đang diễn ra, tình hình ở Biển Hoa Đông, nhất là Biển Đông bất ngờ dậy sóng do các hành động tuyên bố chủ quyền và xây dựng các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Bối cảnh đó đã tạo điều kiện cho Mỹ tái xác lập lực lượng, kèm theo là không gian ảnh hưởng trên nền những căng thẳng trong khu vực.
Philippines đang trở thành vị trí then chốt cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực. Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines (EDCA), được ký kết vào tháng 4-2014 và được Tòa án Tối cao Philippines chấp thuận vào tháng 1-2016, cho phép Mỹ gia tăng đáng kể sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. EDCA chính thức mở cửa nhiều căn cứ trên đất Philippines cho quân đội và vũ khí Mỹ, một cơ hội hiếm hoi trong một vùng mà nhiều quốc gia dù bị Trung Quốc chèn ép vẫn tiếp tục e dè trong việc đón lực lượng Mỹ vào lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi nhậm chức, vị tổng thống 71 tuổi của Philippines, ông Rodrigo Duterte, đã có những phát biểu làm mối quan hệ với Mỹ rạn nứt. Ông còn tuyên bố chấm dứt hợp tác với Washington trong cả lĩnh vực chống lại khủng bố, tuần tra ở Biển Đông, tập trận chung...
Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, ông Duterte tuyên bố sẽ không lệ thuộc vào Mỹ trong chính sách đối ngoại, đồng thời chuyển hướng thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Nga nhằm tái cân bằng quan hệ với các nước lớn.
Động thái đó của ông Duterte có nguy cơ làm thay đổi Hiệp ước Quốc phòng Mỹ - Philippines ký năm 1951, vốn là nền móng cho sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Mặc dù Tổng thống Philippines nói rằng, ông tôn trọng liên minh này nhưng lại liên tục nhấn mạnh sự cần thiết về “chính sách ngoại giao độc lập” và nghi ngờ sự sẵn lòng can thiệp của Mỹ nếu Trung Quốc chiếm bất kỳ lãnh thổ nào ở Biển Đông.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, ông Zhang Baohui, nhận định: “Đây có thể làm thay đổi cuộc chơi ở Biển Đông nói chung và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trong khu vực nói riêng” và “Chính sách ngoại giao của ông Duterte có thể làm thay đổi mạnh mẽ bức tranh địa chiến lược của khu vực, khiến Trung Quốc có vị trí lợi thế so với Mỹ”.
Nói cách khác, chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương đang vấp phải vật cản không hề nhỏ về một chính sách “ngoại giao độc lập” của Philippines, vốn là đồng minh chiến lược của Washington suốt 60 năm qua.
Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng, quan hệ chiến lược Mỹ - Philippines sẽ đổ vỡ, hay sự thân thiện giữa Manila - Bắc Kinh ngày càng gắn kết sẽ gây nên những đảo lộn cho chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Nhiều lần Trung Quốc lấy làm mừng trước những phát biểu gây “sốc” của Tổng thống Philippines với Mỹ nhưng “niềm vui cũng chẳng tày gang” khi ngay sau đó, ông Duterte lập lờ về một sợi dây nối là liên minh quân sự bền bỉ và có bề dày lịch sử giữa hai đồng minh chiến lược. Hơn thế, ông Duterte chỉ tại vị một nhiệm kỳ 6 năm thì khó lòng giải quyết những vấn đề tồn tại cả tích cực lẫn tiêu cực giữa Mỹ với Philippines hay mới xây dựng mối quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh.
Trong một bài báo hồi tuần trước, Giáo sư Khoa học chính trị Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle ở Manila nhận định: Nếu Bắc Kinh từ chối bất kỳ sự nhượng bộ cụ thể nào ở Biển Đông, đặc biệt về các nguồn đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, hay các thỏa thuận kinh tế chỉ nằm trên giấy, ông Duterte có thể đối mặt với sự phản tác dụng ở trong nước. Giáo sư Heydarian nhấn mạnh: “Đây rõ ràng là lý do tại sao quan hệ an ninh với Mỹ sẽ vẫn không thể thiếu được đối với Philippines”.
Nhưng dù gì đi nữa thì chiến lược xoay trục của Mỹ đang vấp phải “vật cản” về chính sách “ngoại giao độc lập” do ông Duterte vạch ra.
TUYẾT MINH