Quốc tế
Pháp - Anh căng thẳng vì người tị nạn
Pháp và Anh tranh cãi về số phận của trẻ vị thành viên hiện bị mắc kẹt ở gần khu tị nạn Calais, phía bắc nước Pháp. Anh muốn Pháp bảo vệ những trẻ em này, trong khi Paris thúc giục London nhanh chóng tiếp nhận các em.
Khu lán trại Calais bị “xóa sổ”. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve bày tỏ “ngạc nhiên” trước phát biểu của chính phủ Anh. Theo đó, Anh kêu gọi Pháp bảo vệ số trẻ vị thành niên bị mắc kẹt ở Calais sau khi các nhà chức trách tiến hành “xóa sổ” khu lán trại tồi tàn Calais, nơi có từ 6.000- 8.000 người tị nạn tạm trú bất hợp pháp đang chờ dịp sang Anh.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đề nghị một số trẻ vị thành viên tị nạn nên ở lại Pháp hơn là đến xứ sở sương mù dù đi theo chương trình đoàn tụ gia đình. “Bất cứ đứa trẻ nào đủ hoặc không đủ điều kiện, hoặc không nằm trong vùng an toàn của trại tị nạn cũng nên được các nhà chức trách Pháp chăm sóc, bảo vệ”, bà Rudd nói.
Trong khi đó, cả Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve lẫn Bộ trưởng Nhà ở Emmanuelle Cosse đều muốn Anh “nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận số trẻ vị thành viên muốn đến Anh”. Hai quan chức này cho rằng, đây là cách tốt nhất để bảo vệ các em.
Tuyên bố của giới chức Pháp được đưa ra sau khi báo chí cho hay, chiến dịch dọn dẹp khu lán trại Calais chỉ mang lại lợi ích cho người lớn nhưng thất bại trong việc bảo vệ trẻ em không có người thân đi cùng. Khoảng 1.300- 1.600 trẻ em không có người thân, hầu hết đến từ Afghanistan, Sudan và Eritrea đã ở trại Calais, trong đó hàng trăm em có đủ điều kiện để được đưa đến Anh đoàn tụ gia đình.
Tháng 9-2016, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố đến cuối năm nay sẽ đóng cửa khu tị nạn Calais, đồng thời yêu cầu Anh cùng chia sẻ trách nhiệm để giải quyết vấn đề này.
Kể từ khi chiến dịch “dọn dẹp” khu Calais chính thức diễn ra vào ngày 24-10, đến nay, gần 4.400 người lớn, hầu hết là đàn ông, đã được đưa đến các thị trấn và làng trên khắp nước Pháp. Trong số 1.451 trẻ vị thành niên tị nạn có mặt tại Calais, Anh chỉ tiếp nhận 274 trẻ. Theo cảnh sát Calais, việc sơ tán người tị nạn kết thúc vào ngày 28-10 và những ai từ chối di chuyển sẽ bị bắt giữ và trục xuất.
Song, các nhân viên cứu trợ tin rằng, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tị nạn có lẽ đã rời khỏi khu Calais trước khi Pháp bắt đầu chiến dịch. Người phát ngôn cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc William Spindler đề nghị phải có sự sắp xếp đặc biệt để bảo đảm an toàn và phúc lợi cho trẻ em trước khi khu tị nạn bị “xóa sổ”.
Khu lán trại nhếch nhác và bẩn thỉu Calais, còn gọi là “rừng Calais”, nơi thường xảy ra xung đột, được xem là biểu tượng cho sự thất bại của Liên minh châu Âu (EU) trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử. Năm ngoái, hơn 1 triệu người rời Trung Đông, châu Á và châu Phi do chiến tranh và nghèo đói để tìm đường đến châu Âu. Việc tiếp nhận người di cư đã gây chia rẽ 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Thị trưởng thành phố Calais, Natacha Bouchart, không muốn “rừng Calais” mọc lên một lần nữa. Hầu hết những người tị nạn ở Calais muốn đến Anh để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Pháp do họ có thể nói được ngôn ngữ Anh và tin rằng sẽ dễ tìm việc ở xứ sở sương mù. Vấn đề “rừng Calais” cũng làm mối quan hệ Pháp - Anh trở nên căng thẳng.
PHÚC NGUYÊN