Quốc tế
Tập trận trên Biển Đông thách thức Trung Quốc
Trong tháng 10 này, New Zealand, Úc, Malaysia, Singapore và Anh sẽ tiến hành đợt tập trận đa quốc gia trên Biển Đông nhằm biểu dương lực lượng, thách thức tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở vùng biển này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đứng trên boong tàu KRI Imam Bonjol của hải quân nước này trong chuyến công tác tới quần đảo Natuna thuộc Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Cuộc tập trận chung giữa 5 nước kéo dài 3 tuần có tên Exercise Bersama Lima, có sự tham gia của các lực lượng hải quân, lục quân và không quân của tất cả các nước. Giới chức quân sự cho biết, đây là sự kiện do Singapore tổ chức nhằm tăng cường an ninh khu vực, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ giảm nhẹ thảm họa.
Đây là hoạt động chung thường niên của 5 quốc gia thành viên thuộc nhóm Thỏa thuận quốc phòng (FPDA). Nhóm này được thành lập sau một loạt thỏa thuận được ký từ năm 1971. Theo đó, các thành viên tham vấn lẫn nhau hoặc hành động nếu xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào Malaysia hoặc Singapore.
New Zealand cử lực lượng gồm 60 quân nhân tinh nhuệ cùng máy bay giám sát P-3K2 Orion đến Malaysia để tham gia diễn tập. Thiếu tướng Tim Gall, chỉ huy lực lượng tác chiến chung New Zealand cho rằng, việc tăng cường hợp tác về chuyên môn nghiệp vụ với các thành viên FPDA là điều quan trọng để bảo đảm khả năng tương tác với nhau tốt nhất khi cần.
Cũng cùng thời điểm này, Indonesia đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận lớn nhất của quốc gia này tại Biển Đông diễn ra từ ngày 6-10, trong đó có hoạt động bắn thử một quả tên lửa khác do Trung Quốc sản xuất sau những lần bắn thử thất bại gần đây. Cụ thể, theo trang tin quốc phòng IHS Jane, lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) sẽ tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại quần đảo Natuna thuộc Biển Đông. Đợt tập trận bắt đầu với nội dung “Angkasa Yudha” liên quan tới các máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, trực thăng tiện ích của lực lượng không quân Indonesia và các lực lượng đặc nhiệm mặt đất.
Cuộc tập trận mô phỏng một đợt tấn công từ trên không và giành lại một đường băng đã bị chiếm đóng, diễn ra tại đảo Pulau Natuna Besar. Cuộc tập trận Angkasa Yudha thoạt đầu được lên kế hoạch tiến hành tại đảo Belitung, tại Đông Sumatra, nhưng sau đó chuyển tới quần đảo Natuna vì những lý do nào đó hiện chưa được công bố.
Loạt tập trận trên không sẽ tiếp nối với việc lặp lại nội dung tập trận có tên Armada Jaya đã diễn ra đầu tháng 9 vừa qua. Giống như cuộc tập trận Angkasa Yudha, các cuộc tập trận Armada Jaya cũng được tiến hành trong và xung quanh khu vực quần đảo Natuna.
Với các cuộc tập trận riêng, chung được tiến hành tần suất ngày càng dày trong thời gian qua, giới chuyên gia quốc tế nhận định: Nguy cơ xung đột ở Biển Đông đang ngày càng trở nên đáng ngại. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều có những tuyên bố chủ quyền tại khu vực này, đặc biệt ở những vùng biển có trữ lượng dầu, khí và hải sản phong phú. Thế trận trở nên căng thẳng kể từ khi Trung Quốc có những động thái chiếm đóng, xây dựng trái phép tại Biển Đông.
“Nếu có ai đó có thể thách thức Trung Quốc thì đó chính là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”. Đó là quan điểm của ông Baladas Ghoshal, cựu giáo sư Đại học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, hiện là Tổng Thư ký Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) đưa ra trong hội thảo có chủ đề “Sự hỗn loạn ở Biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp về pháp lý và chính trị” ngày 3-10 tại New Delhi (Ấn Độ). Ông Ghoshal lý giải: “Trung Quốc phải chung sống với các quốc gia này”.
Ngày 4-10, Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ mang tên Phiblex 33 ở đảo Luzon và đảo Palawan của Philippines, với sự tham gia của tổng cộng khoảng 2.000 binh sĩ. Cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 12-10. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố Phiblex là cuộc tập trận chung đầu tiên và có lẽ sẽ là cuối cùng giữa hai đồng minh trong nhiệm kỳ 6 năm của ông. Tổng thống Duterte cũng khẳng định sẽ xem xét lại Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) được Mỹ và Philippines ký kết năm 2014, cho phép Washington quyền sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines. |
TRẦN ĐẮC LUÂN