Quốc tế

Người Đức lo ngại chính sách nhập cư

07:54, 22/12/2016 (GMT+7)

Căng thẳng xung quanh chính sách nhập cư của Đức lại dấy lên sau khi các nhà chức trách bắt giữ một người tị nạn đến từ Pakistan, bị cáo buộc liên quan vụ chiếc xe tải lao vào đám đông ở chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin làm 12 người chết và 48 người khác bị thương.

Cảnh sát Đức tuần tra khu chợ Giáng sinh ở Berlin. 		                       Ảnh: AFP
Cảnh sát Đức tuần tra khu chợ Giáng sinh ở Berlin. Ảnh: AFP

Hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác, Đức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bằng việc mở biên giới đón những người tị nạn đến từ Trung Đông. Thủ tướng Angela Merkel đã bị chỉ trích vì chính sách này cùng với sự lạc quan “chúng ta có thể làm điều này” (mở cửa tiếp nhận người tị nạn), nhưng bà vẫn nổi bật với hình ảnh một nhà lãnh đạo khoan dung và bảo vệ các giá trị tự do của phương Tây. Giờ đây, sau vụ tấn công xảy ra ở chợ Giáng sinh, với nỗi lo ngại của người Đức, chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ tư của bà sẽ trở nên khó khăn hơn nếu người tị nạn đúng là thủ phạm tấn công chợ Giáng sinh.

Hãng AP cho biết, nghi phạm 23 tuổi người Pakistan đã được trả tự do. Tuy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm nhưng những nghi ngại về người tị nạn vẫn còn đó, thậm chí gây tranh cãi trong các nước phương Tây về hệ quả nguy hiểm của việc cung cấp nơi ở cho những người tị nạn. Giới chức Đức đang truy lùng một người Tunisia sau khi phát hiện giấy tờ căn cước dưới ghế của tài xế xe tải. Thẻ căn cước ghi tên Anis A., sinh năm 1992 tại Tataouine (Tunisia).

Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), năm 2015, khoảng 1,2 triệu người xin tị nạn ở 28 nước Liên minh châu Âu, gấp đôi năm trước đó. Những người xin tị nạn trong năm 2016 chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan và Iraq. So với năm 2015, số người Syria tìm kiếm tị nạn năm 2016 tăng gấp đôi với 362.800 người, số người Afghanistan tăng gấp 4 lần với 178.200 người và số người Iraq tăng gấp 7 lần với 121.500 người. Đức là nước chấp nhận người tị nạn nhiều nhất, tiếp đó là Hungary, Thụy Điển, Áo, Ý và Pháp.

Quá quen với việc xử trí khủng khoảng trong 11 năm làm Thủ tướng, bà Merkel nay vẫn điềm tĩnh lên tiếng trấn an người dân Đức không nên sợ hãi và rằng, nước này sẽ tìm thấy sức mạnh để tiếp tục sống “tự do, cùng nhau và cởi mở”. Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán về thất bại của bà trong cuộc bầu cử vào mùa thu năm tới. Đảng cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD), được thành lập cách đây 3 năm, nhanh chóng đổ lỗi cho Thủ tướng Merkel về chính sách mở cửa của bà. “Đó không phải là vụ việc cuối cùng”, lãnh đạo AfD Frauke Petry nói.

Thăm dò vào sáng 20-12 và trước khi vụ tấn công xảy ra đều cho thấy, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel và các đồng minh Bavarian nhận được sự ủng hộ 36% nhưng đứng trên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và AfD dù tỷ lệ này không quá cao.

Theo khảo sát do tạp chí Stern thực hiện, 50% người Đức ủng hộ bà Merkel làm Thủ tướng, trong khi 14% dành cho lãnh đạo Sigmar Gabriel của SPD. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một trợ lý cấp cao của bà thừa nhận: “Không có gì chắc chắn. Từ nay đến bầu cử vẫn còn nhiều thời gian và nhiều điều có thể xảy ra”. Những quan ngại này là có cơ sở bởi nhìn lại thì những người từng là đồng cấp của bà Merkel: ông David Cameron ở Anh và ông Matteo Renzi ở Ý đều thất bại trong các cuộc trưng cầu dân ý nên họ phải từ nhiệm.

Trong khi đó, uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande sụt giảm ở trong nước và ông sẽ không tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm tới. Năm 2017, Đức, Pháp, Hà Lan và có thể cả Ý đều tổ chức bầu cử.
Bà Merkel và ông Hollande đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh của hai nước để chống khủng bố, đồng thời thực hiện các biện pháp được thống nhất ở cấp độ châu Âu. Song, theo các nhà phân tích, cả người Pháp lẫn người Đức đều không tránh khỏi lo ngại.

PHÚC NGUYÊN

.