Quan sát & Bình luận
Khủng bố lại đe dọa châu Âu
Mùa Giáng sinh và đón năm mới 2017 đang đến gần nhưng châu Âu đang bị “bóng ma” khủng bố đe dọa nghiêm trọng, mới nhất là vụ tấn công một nhà thờ Hồi giáo ở Zurich, thành phố lớn nhất Thụy Sĩ, làm ít nhất 3 người bị thương; đại sứ Nga Andrei Karlov bị bắn chết ngay tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ khi ông đang phát biểu khai mạc triển lãm ảnh; một kẻ khủng bố đã dùng xe tải hạng nặng lao vào đám đông tại chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở thủ đô Berlin của Đức làm 12 người chết và 48 người bị thương.
Đối với Đức, đó là vụ tấn công kinh hoàng, làm nhiều người nhớ lại vụ tấn công bằng xe tải ở thành phố Nice của Pháp hồi tháng 7 vừa qua khiến 86 người thiệt mạng.
Đức khá “cởi mở” trong việc tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo quốc gia này khó tránh làn sóng tấn công của các phần tử khủng bố vào “lục địa già”. Thực tế, từ đầu năm đến nay, người dân Đức đã phải chứng kiến nhiều vụ tấn công nhỏ lẻ do các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc họp khẩn với các giới chức an ninh, quốc phòng để bàn biện pháp đấu tranh ngăn chặn khủng bố, bảo đảm an ninh trong dịp lễ Giáng sinh và đón năm mới. Bà Merkel cũng đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama để thảo luận về tình hình an ninh.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, IS đứng sau vụ tấn công bằng xe tải ở Berlin. Còn Bộ trưởng Nội vụ bang Saarland Klaus Bouillon cho rằng, Đức đang trong tình trạng chiến tranh.
Trong khi đó, Bỉ vẫn đang duy trì mức cảnh báo an ninh cao sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels hồi tháng 3 vừa qua, khiến 32 người thiệt mạng. Theo thống kê, ước tính có khoảng 465 đối tượng từng tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các phần tử thánh chiến ở Syria và Iraq đang hoạt động tại Bỉ.
Hàng loạt vụ việc vừa xảy ra làm nhiều nước châu Âu phải gia tăng các biện pháp đối phó. Cảnh sát thành phố London (Anh) đã có kế hoạch chi tiết bảo đảm an ninh tại các sự kiện lớn trong mùa Giáng sinh và năm mới. Tại Rome (Ý), các biện pháp chống khủng bố đã được tăng cường trên khắp đất nước. Ý hiện vẫn áp dụng mức báo động an ninh ở cấp độ 2 - cấp độ cao nhất trong tình huống chưa xảy ra tấn công khủng bố kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái.
Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố nước này đang ở “mức đe dọa khủng bố cao”. Ông Hollande cũng nhấn mạnh rằng, tuy phải đối mặt với mức đe dọa cao nhưng Pháp đã tiến hành chiến dịch an ninh quy mô lớn sau hàng loạt vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo ở nước này trong vòng 2 năm qua.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là hậu quả của cuộc chiến chống khủng bố mang tính nửa vời, không triệt để, không đánh giá hết nguy cơ và phân loại các nhóm, các tổ chức. Nguyên nhân sâu xa chính là cuộc chiến tranh do Mỹ và các đồng minh nhằm vào Iraq, tiếp đó là cuộc nội chiến ở Syria suốt 6 năm qua. Nó đã lôi kéo hàng ngàn công dân các nước châu Âu sang các quốc gia này đầu quân cho Al-Qaeda và IS, rồi quay về đất nước mình để hoạt động. Mặt khác, hàng triệu người ở Trung Đông và Bắc Phi tràn sang châu Âu mấy năm qua đã tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố cài cắm chiến binh, nay bắt đầu hoạt động, trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều quốc gia ở “lục địa già”.
Bởi vậy, ngay trước thềm lễ Giáng sinh và đón năm mới, các vụ tấn công nói trên là hồi chuông cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố ngày càng trở nên nghiêm trọng và vô cùng phức tạp.
Vậy là người dân châu Âu sẽ phải trải qua một mùa Giáng sinh và đón năm mới với tâm trạng lo âu…
TUYẾT MINH