Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẵn sàng chấp nhận kết quả luận tội bà tại Quốc hội trong tuần này nhưng sẽ không từ chức.
Ông Lee Jae-Yong (trái), người thừa kế của tập đoàn Samsung và Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-Bin trả lời chất vấn tại Quốc hội.Ảnh: AFP |
Hãng AP ngày 6-12 dẫn lời ông Chung Jin Suk, một lãnh đạo đảng Saenuri cầm quyền cho biết sau cuộc gặp kéo dài 1 tiếng đồng hồ với Tổng thống Park rằng, nữ Tổng thống sẵn sàng chấp nhận đề xuất của đảng này về việc bà sẽ từ chức vào tháng 4-2017 và cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong tháng 6-2017. Nếu các nghị sĩ bỏ phiếu luận tội, bà sẽ nỗ lực để chuẩn bị cho tiến trình của tòa án ra phán quyết đối với hành động của Quốc hội.
Trong khi đó, Chủ tịch đảng Saenuri, Lee Jung Hyun, nói rằng dường như Tổng thống Park hy vọng các nghị sĩ sẽ chấp nhận việc bà từ chức hơn là thúc đẩy những nỗ lực để luận tội.
Theo Reuters, việc Tổng thống Park muốn chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp để thay đổi tình thế là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc có thể kéo dài thêm nhiều tháng. Khủng hoảng xuất phát từ việc Tổng thống Park đã để người bạn thân của mình, bà Choi Soon-Sil, bí mật can dự vào các công việc hệ trọng của đất nước. Ngoài ra, bà chủ Nhà Xanh còn bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến hai quỹ phi lợi nhuận do bà Choi lập.
Đây là tuần “cân não” của bà Park với việc Quốc hội sẽ tiến hành luận tội bà vào ngày 9-12 tới. Nếu việc luận tội được thông qua, sẽ phải chờ sự phán quyết của Tòa án Hiến pháp và tiến trình này sẽ mất ít nhất 2 tháng.
Ông Kim Man-heum, Giám đốc Viện Chính trị và Lãnh đạo Hàn Quốc nhận định: “Trừ khi bà ấy (Tổng thống Park) tuyên bố từ chức ngay lập tức, những gì bà nói sẽ không thuyết phục được công chúng và không làm phe đối lập thay đổi quyết định luận tội”.
Cũng trong ngày 6-12, trả lời các câu hỏi chất vấn trước Quốc hội, tất cả lãnh đạo 9 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều bác bỏ thông tin cho rằng, việc rót tiền cho hai quỹ phi lợi nhuận do bà Choi lập nhằm mục đích quan hệ chính trị có lợi ích. Mối quan hệ sâu xa giữa chính trị và các tập đoàn gia đình - giới tài phiệt ở xứ sở kim chi đang thu hút sự chú ý của công luận. Các tập đoàn được gọi là “chaebol” giúp nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh chóng nhưng mối quan hệ giữa chính trị và các “chaebol” cũng là trung tâm của khủng hoảng chính trị đang gây chao đảo chính trường.
“Thật khó để các tập đoàn từ chối yêu cầu của Nhà Xanh”, ông Huh Chang-Soo, Chủ tịch Tập đoàn GS và là người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc nói. Ông Lee Jae-Yong, người thừa kế của Tập đoàn Samsung cho hay, tập đoàn này đã nhận được nhiều yêu cầu về việc góp quỹ nhưng “chưa bao giờ cung cấp tiền để đổi lại một điều gì đó”. Samsung rót tiền nhiều nhất với con số 20 tỷ won (17 triệu USD), sau đó là Hyundai, SK, LG và Lotte.
Ông Lee Jae-Yong cũng nhắc lại việc Tổng thống Park đã thúc đẩy đóng góp quỹ trong một cuộc gặp hồi tháng 7 vừa qua nhưng bà không đề cập cụ thể quỹ nào. Đồng thời, ông Lee bác bỏ mọi liên quan đến bà Choi.
Ngồi ở bàn nhân chứng, lãnh đạo tập đoàn Samsung - ông Jay Y.Lee cho biết, trong các cuộc gặp trực tiếp, Tổng thống Park đã đề nghị ông ủng hộ để thúc đẩy phát triển văn hóa và thể thao nhưng không đề cập số tiền cụ thể.
Hàng loạt diễn biến mới nhất đều cho thấy Tổng thống Park đang ở thế bất lợi và áp lực đang ngày càng gia tăng đối với bà. Tỷ lệ ủng hộ bà hiện chỉ còn 4%, mức thấp kỷ lục.
PHÚC NGUYÊN