Quốc tế
Châu Âu bất an và nghi ngại
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 20-2 nói với các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) rằng, chính phủ Tổng thống Donald Trump đang tìm cách làm sâu sắc mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, châu Âu đang phản ứng với một tháng ngồi “ghế nóng” ở Nhà Trắng của ông Trump bằng những cuộc biểu tình và sự lo lắng.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Brussels (Bỉ) ngày 20-2. Ảnh: AP |
Ngày 20-2, Phó Tổng thống Mike Pence kết thúc chuyến công cán châu Âu với hành trình cuối cùng tại Brussels (Bỉ), nơi ông tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh đang lo ngại Tổng thống Donald Trump có thể bỏ rơi họ. Cuộc gặp gỡ giữa ông Pence với Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Federica Mogherini diễn ra tại Đại sứ quán Mỹ trong lúc những người biểu tình tập trung bên ngoài, chỉ trích thái độ của chính phủ Tổng thống Trump đối với phụ nữ, người đồng tính và vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng xác nhận việc Phó Tổng thống Pence tái khẳng định quan điểm của Mỹ đối với EU. Hai ông đã thống nhất việc cần thiết duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và châu Âu, trong đó có sự ủng hộ của Washington đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và châu Âu. “Tôi đã nghe những lời hứa về tương lai, những lời giải thích về bước đi mới ở Washington”, vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói. Tuy nhiên, chưa thể nói rằng, ông Pence đã thuyết phục được châu Âu và xua tan sự hoang mang, trong khi Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu, đồng thời là đối tác của EU trong hầu hết các chính sách đối ngoại.
Chặng dừng chân của Phó Tổng thống Mỹ ở Brussels được tiếp nối sau chuyến đi Munich (Đức). Thực tế, trong chuyến đi này, ông Pence đối mặt với sự hoài nghi trong các nhà lãnh đạo châu Âu xung quanh chính sách ngoại giao của Mỹ, nhất là những phát biểu “lộn xộn” của ông Trump trong thời gian qua; cụ thể như việc Washington ủng hộ Brexit - thậm chí ủng hộ sự tan rã của EU, cảnh báo sẽ cắt giảm đóng góp tài chính cho Liên Hợp Quốc và nghi ngờ về vai trò của NATO… “Dù có những khác biệt nhưng hai châu lục chia sẻ cùng di sản, cùng giá trị và cùng mục đích: thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thông qua tự do, dân chủ và luật pháp”, ông Pence phát biểu với báo giới sau cuộc gặp gỡ ông Donald Tusk.
Chuyến công cán của Phó Tổng thống Mỹ đặc biệt thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế bởi châu Âu đang lo ngại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có thể “bị đắm”. Nhiều câu hỏi đặt ra: mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này sẽ đi về đâu; Mỹ có thực hiện đúng cam kết tiếp tục là “đồng minh lớn nhất” của châu Âu hay không; ông Pence hay các vị quan chức cấp cao của Nhà Trắng đến lục địa già cỗi lần này có chuyển tải đúng những gì ông Trump mong muốn hay chỉ là những lời “trấn an”, xoa dịu…
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói: “Chúng tôi chờ hành động thật sự”. Có lẽ đây cũng là thông điệp của châu Âu khi họ vẫn chưa thấy sự gắn kết nào trong những lời hứa của các quan chức Nhà Trắng với hành động của chính phủ Mỹ đương nhiệm. Mọi việc vẫn phải chờ đợi và những nghi ngại vẫn còn đó…
PHÚC NGUYÊN